"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa
muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương
"

"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương"

Việc nhỏ không làm, sao có thể làm thành được việc lớn?

Con người hiện đại thường nóng vội, tham cái lợi trước mắt, khi gây dựng đại nghiệp, họ chỉ muốn một bước là thành tựu, một đêm là thành danh, một ngày là thành tài. Họ luôn xem “việc nhỏ” là tầm thường, nhưng lại quên mất rằng việc lớn là từ việc nhỏ tích lũy mà thành.

Người hiện đại cũng thường không xem trọng lỗi sai nhỏ, nhưng chính sơ suất nhỏ lại có thể gây ra sai lầm lớn, dẫn đến “ân hận ngàn năm”. Văn hóa truyền thống đã để lại rất nhiều câu chuyện lịch sử, chứng minh cho đạo lý “nước chảy đá mòn”.

Người xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn đá, ngọn lửa nhỏ đủ để đốt cháy cả đồng cỏ, việc nhỏ không nhịn sẽ làm loạn mưu lớn, mỗi ngày một việc tốt đủ để kết nhiều thiện duyên. Bất cứ “đại thiện” nào cũng cần tích lũy từ “tiểu thiện” mà thành. Không ai có thể một bước trở thành anh hùng, muốn thành đại sự, thì cần bắt đầu làm từ việc nhỏ.

Một nhà không quét sao có thể quét thiên hạ

Trong cuốn “Hậu Hán Thư” có ghi chép một điển cố “Một nhà không quét sao quét được thiên hạ” như thế này:

Thời Đông Hán có một thiếu niên tên là Trần Phiên. Trần Phiên luôn tự cho mình là siêu phàm, cho nên một lòng muốn gây dựng sự nghiệp lớn.

Một hôm, người bạn Tiết Cần đến thăm, nhìn thấy tiểu Trần sống một mình trong căn nhà vô cùng bẩn thỉu, liền nói với bạn: “Vì sao không quét dọn nhà để tiếp đãi khách?”.

Trần Phiên trả lời: “Đại trượng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao lo quét một nhà?”.

Tiết Cần liền lập tức hỏi ngược lại: “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”.

Trần Phiên hiểu ra và không thể nói được lời nào nữa.

Việc nhỏ không làm, sao có thể làm thành được việc lớn?
(Ảnh minh họa: Qua Kknews.cc)

Hoài bão muốn “quét thiên hạ” của Trần Phiên là điều không sai, nhưng vấn đề nằm ở chỗ anh ta không ý thức được rằng việc “quét thiên hạ” chính là phải được bắt đầu từ “quét một nhà”. “Quét thiên hạ” bao hàm cả “quét một nhà”, cho nên nếu không “quét một nhà” thì tuyệt đối không thể thực hiện lý tưởng “quét thiên hạ” được.

Nếu như ngay cả việc nhỏ cũng không muốn làm, hỏi sao có thể làm nên sự nghiệp lớn được?

Trong “Khuyến học”, Tuân Tử – nhà tư tưởng nổi tiếng thời Chiến quốc từng nói: “Bất tích khuể bộ, vô dĩ chí thiên lí; bất tích tiểu lưu, vô dĩ thành giang hải”, ý nói rằng, nếu như không đi nửa bước thì không thể tới được ngàn dặm, không có những dòng chảy nhỏ thì không thể có biển rộng.

Trí huệ của các bậc thánh hiền thời xưa bảo cho chúng ta thấy rằng, cho dù là làm chuyện gì cũng không thể trong giây lát là xong, một bước là thành, không ai có thể biến mặt đất bằng phẳng thành ngôi nhà cao tầng trong chốc lát cả. Bởi vậy, chỉ có bắt đầu từ từng việc nhỏ, tích lũy từng chút từng chút một mà đi lên, cuối cùng mới có thể thành tựu một việc lớn.

Hành trình ngàn dặm, khởi đầu dưới bước chân

Câu thành ngữ “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” (Đi ngàn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân) xuất phát từ  Lão Tử. Lão Tử đã dùng rất nhiều ví dụ để nói lên rằng sự vật luôn phát triển từ nhỏ đến lớn.

Ông nói: “Hợp bão chi mộc, sinh vu hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi vu lũy thổ; thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ”. Nghĩa là, cây to dùng hai tay mới ôm hết là từ cây non nhỏ bé sinh trưởng thành, đình cao chín tầng là được xây từ một mô đất mà thành, hành trình hàng ngàn dặm xa như vậy cũng là được bắt đầu từ bước thứ nhất.

Việc nhỏ không làm, sao có thể làm thành được việc lớn?
(Ảnh minh họa: Qua Kknews.cc)

Trong “Vi học”, nhà văn Bành Đoan Thục của nhà Thanh từng kể một câu chuyện:

Ở biên giới Tứ Xuyên có hai hòa thượng, một người nghèo khổ, còn một người thì giàu có. Khi hai vị hòa thượng chuẩn bị hành hương đến Nam Hải để lễ Phật, hòa thượng giàu nói với hòa thượng nghèo: “Mấy năm nay ta luôn dự tính thuê một chiếc thuyền xuôi theo dòng sông xuống Nam Hải, mà còn chưa thể thực hiện được, ông thì dựa vào gì mà đi chứ?”

Một năm sau, hòa thượng nghèo từ Nam Hải quay về, trong khi hòa thượng giàu vẫn chưa chuẩn bị xong chuyến đi. Ông kể rằng, trải qua một năm lặn lội đường xa, chỉ dựa vào một chiếc bình đựng nước và một cái bát để xin cơm bố thí, ông đã hoàn thành được tâm nguyện của mình. Hòa thượng giàu có nghe xong xấu hổ không nói nên lời. Cho nên, không thể chỉ dừng lại ở miệng lưỡi, mà phải làm bằng cả ý chí và sức lực thì mới mong đạt được thành công.

Thời cổ đại có rất nhiều bậc học giả có học vấn uyên bác và tài hoa xuất chúng. Đây không phải là thành quả của một sớm một chiều, cũng không phải tài năng thiên phú mà thực tế, họ đã phải ngồi rách đệm cói hay mài mực thủng nghiên sắt, thì mới có thể học thành tài.

Bởi vậy, “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” thể hiện ý chí của một người lập chí lập nghiệp, cần phải nhìn xa trông rộng, bắt đầu từ làm việc nhỏ, vừa không thể suy nghĩ viển vông, lại càng không thể chỉ nói lời khoác lác mà chỉ có không ngại gian khó, từng bước từng bước một thực hiện thì mới có thể hoàn thành được mơ ước của mình.

An Hòa – trithucvn.net

TIN TỨC LIÊN QUAN

Xem thêm