Cô con gái 7 tuổi ra ‘cảnh cáo’: Bố mẹ không được tự ý vào phòng con, khiến trái tim cha mẹ lạc lõng.
Gần đây một ông bố chụp bức ảnh tờ giấy dán trên cánh cửa phòng con mình và gửi đến một nhóm bạn phàn nàn: “Bị con gái cho ra rìa rồi”. Hóa ra cô con gái 7 tuổi của anh đã viết một ghi chú lên cửa: Bố mẹ không được tự ý vào phòng con.
Những người bạn trêu chọc ông bố, đồng thời cũng chúc mừng: “Đây là một tín hiệu tốt. Đứa trẻ biết cách bảo vệ không gian riêng tư, cũng như từ chối một cách rõ ràng, lớn lên chắc chắn sẽ là một người bản lĩnh.
Nghe xong, người cha càng thấy lạc lõng. Bởi vì anh chưa sẵn sàng thoát khỏi thế giới của con. Anh phải miễn cưỡng chấp nhận rằng “con gái đã lớn”.
Dù có buồn đến đâu, chúng ta cũng phải chấp nhận một sự thật, rằng sẽ có những lúc cha mẹ sẽ phải thả tay để con tự bơi trong thế giới của mình. Trước khi đứa trẻ 12 tuổi, có 5 thời điểm quan trọng mà cha mẹ nên rút lui kịp thời, theo Sina.
3 tuổi để trẻ tự ăn
Một người mẹ kể, khi con gái lần đầu tiên đi học mẫu giáo, con bé ăn như chết đói sau khi tan học. Xót con, mẹ lo lắng có phải đồ ăn ở trường không sạch, không đủ, con không được ăn đúng giờ. Trước khi người mẹ hỏi cô giáo thì giáo viên đã chủ động nhắn tin: “Bé nhà chị rất hiếu động, giờ cho ăn lúc chạy hướng đông, lúc hướng tây, tôi không thể bắt được con bé”.
Nghe câu đó xong, người mẹ có chút xấu hổ vì suy nghĩ của mình. Cảnh này quá quen thuộc ở nhà và người mẹ luôn lo con không thể ăn vì con còn quá nhỏ. Kết quả là con gái cô sẽ không độc lập ăn uống khi 3 tuổi. Có rất nhiều trẻ mẫu giáo khi không có sự giúp đỡ của giáo viên thì sẽ phải chịu đói.
Trẻ thường được đút. Ngoài việc khó ăn độc lập, đút sẽ làm trẻ phụ thuộc vào người lớn. Nếu bạn không cho ăn, trẻ sẽ không biết ăn gì, ăn bao nhiêu. Điều này vô tình khiến trẻ mất đi cơ hội phán đoán nên ăn bao nhiêu là vừa, lúc nào đói, lúc nào no. Chung quy những đứa trẻ ăn uống tốt sẽ bị thiệt thòi khi chúng đi bất cứ đâu.
Trên một chương trình thực tế, một diễn viên Trung Quốc từng khiến khán giả sốc khi cô tiết lộ dành 7 tiếng mỗi ngày để nhìn con trai ăn và có tháng cô nuôi con mình tăng 2,5 kg.
Ăn uống là việc riêng của trẻ em. Vui lòng trả lại “quyền” này cho trẻ. Bắt đầu từ một tuổi, cha mẹ có thể hướng dẫn bé lấy đồ ăn bằng tay. Sử dụng bộ đồ ăn đơn giản để tập luyện khoảng 2 tuổi và đến 3 tuổi có thể ăn độc lập. Hãy để trẻ trải nghiệm mùi êm dịu của hạt, độ giòn của rau và vị ngon của súp, để trẻ có thể cảm nhận được sự hấp dẫn của một bữa ăn.
Từ 5 tuổi trở lên nên tách phòng cho trẻ. Ảnh: Sohu.
5 tuổi ngủ riêng
Có một người đàn ông ở Quảng Châu 29 tuổi phải ngủ với mẹ mỗi tối. Nếu không anh sẽ không thể ngủ, mỗi khi xa mẹ phải dùng đến thuốc ngủ. Vì thói quen này mà anh chàng không dám có bạn gái. Hóa ra khi còn nhỏ, điều kiện gia đình chật chội, anh chàng ngủ cùng bố mẹ đến khi 10 tuổi, đến lúc đó thì không thể ngủ một mình khi không có mẹ.
Ngủ lâu cùng cha mẹ sẽ khiến trẻ phụ thuộc, tính tự lập kém, dễ bị tổn thương tình cảm. Theo thống kê của các nhà tâm lý học, 5 tuổi là thích hợp để trẻ tách phòng bởi tâm lý trẻ đã nhận thức được tương đối và tâm lý tình dục cũng đã phát triển.
Tuy mỗi đứa trẻ một khác, nhưng cha mẹ có thể giãn bớt khoảng cách ngủ cùng con từ 3 tuổi và tách hoàn toàn khi trẻ lên 5 và 6.
6 tuổi ra khỏi phòng tắm
0-6 là thời điểm quan trọng để giáo dục giới tính trẻ em. Trước 3 tuổi, phòng tắm là không gian ấm áp và các bậc cha mẹ Âu, Mỹ hay Nhật Bản thường chọn nó để giáo dục giới tính. Sau khi bé gái lên 3 tuổi, bố không còn thích hợp tắm cho con, còn mẹ vẫn có thế giúp con trai tắm rửa đến 5, 6 tuổi.
Tuy nhiên bất kể bé trai hay gái độ tuổi lên 6 sẽ cảm thấy xấu hổ, lúng túng khi có người khác trong phòng tắm. Lúc này, cha mẹ nên chủ động rời khỏi và tôn trọng sự riêng tư của con. Hãy để con học cách tắm độc lập.
8 tuổi ra khỏi không gian riêng tư của con
Một bé gái đóng sầm cửa khi tranh cãi với mẹ. “Tại sao con lại đóng cửa?”, người mẹ hỏi. Cô con gái thét lên: “Con chỉ muốn yên tĩnh, đừng làm phiền con. Xin hãy ra ngoài”.
Người mẹ chấn động. Con gái bé bỏng không còn muốn được ôm mẹ khi khóc, không còn muốn nũng nịu như mọi khi. Thay vào đó người mẹ tỉnh ngộ đã bị gạt khỏi con.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, 7 đến 8 tuổi là độ tuổi thích hợp để trẻ ở một mình. Từ 7 tuổi, cha mẹ nên để con ở phòng riêng. Không tự ý vào phòng vì sẽ khiến trẻ có cảm giác bị kiểm soát không gian.
Cư dân mạng Trung Quốc từng thảo luận sôi nổi về những tình huống cha mẹ đã gặp phải khi vào phòng trẻ mà không gõ cửa, hơn một nửa bậc phụ huynh cho biết không thích làm việc này.
Gõ cửa, một hành động tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự là tôn trọng quyền riêng tư của trẻ. Cảm giác ranh giới này sẽ khiến trẻ thoải mái. Một đứa trẻ được tôn trọng có thể học được cách tôn trọng người khác.
12 tuổi ra khỏi bếp
Từ 2-3 tuổi trẻ em có thể làm một số việc tùy khả năng của mình. Ở tuổi 12, trẻ đã đủ nhận thức và năng lực để thực hành an toàn. Lúc này cha mẹ có thể rời khỏi bếp nghỉ ngơi và để trẻ nấu những bữa ăn đơn giản.
Đừng lo lắng việc trẻ bị đứt tay, bị bỏng. Đừng đổ lỗi cho con vì làm xáo trộn căn bếp. Hãy để con tự vượt qua những khó khăn nhỏ này mới giúp con có kỹ năng sống độc lập.
Phải, một đứa trẻ nuôi thế nào rồi cũng lớn và cuối cùng chúng sẽ buông tay rời khỏi cuộc đời mẹ cha.
3 tuổi, bạn có thể rời khỏi bàn ăn, để con tự học cách ăn.
5 tuổi, bạn ra khỏi phòng ngủ, để trẻ học cách ôm lấy màn đêm.
6 tuổi, rời khỏi phòng tắm để cho trẻ biết ranh giới cơ thể mình.
8 tuổi rời phòng ngủ để trẻ học cách tôn trọng sự riêng tư.
12 tuổi, bỏ con lại phòng bếp, để con học cách sống tự lập.
Bảo Nhiên – vnexpress.net