"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa
muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương
"

"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương"

5 thủ đoạn ma quỷ hóa tôn giáo trong lịch sử nhân loại

Ma quỷ hóa tôn giáo không chỉ là việc khiến con người hiểu sai về tôn giáo, mà còn phá hoại tôn giáo từ bên trong, biến tôn giáo đó thành một thứ tà đạo, hoặc đánh tráo tôn giáo bằng tà đạo nhưng vẫn giữ nguyên tên nhằm đạt được một mục đích chính trị nào đó.

Lịch sử nhân loại cho thấy có 5 thủ đoạn thường dùng để ma quỷ hóa một tôn giáo, đó là:

  • Phá hủy môi trường lưu truyền
  • Làm méo mó giáo nghĩa
  • Dựng chuyện, chụp mũ, tuyên truyền, kích động thù hận
  • Phá hoại từ bên trong
  • Tôn giáo chính trị – Sùng bái cá nhân

Dưới đây là 5 ví dụ lịch sử thế giới về việc các chính quyền đã ma quỷ hóa tôn giáo như thế nào.

1. Phá hủy môi trường lưu truyền

Ngay sau cuộc “Cách mạng” tháng 10/1917, chính quyền Xô Viết vẫn còn bận tập trung vào việc đấu tranh với những giai tầng “phía trên” để loại bỏ cái gọi là “mâu thuẫn giai cấp”. Nhưng chỉ ít lâu sau, Xô Viết đã bắt đầu bài xích truyền thống, bài xích tôn giáo và phá hủy nhà thờ. Bên cạnh việc xây dựng các hợp tác xã, một cuộc vận động chống tôn giáo đã bắt đầu vào năm 1929. Một lượng lớn di tích và nhà thờ bị phá hủy, cao điểm là vào năm 1932. Những công trình văn hóa bị phá sập, những kiến trúc kiểu “Stalin” được dựng lên để ca ngợi chế độ.

Chỉ tính riêng ở Moscow, trong 10 năm từ 1925 đến 1935, 400 trên tổng số 474 di sản văn hóa được đăng ký đã bị hủy hoại; 2.800 trên tổng số 3.000 hạng mục quốc gia bị hủy hoại. Sau đó vào năm 1959, Nikita Khrushchev lại tiếp tục phát động một cuộc vận động chống tôn giáo. Ước tính rằng cho đến năm 1964, có khoảng hơn 10.000 nhà thờ trong số 20.000 nhà thờ bị đóng cửa, rất nhiều bị phá hủy.

Phá hủy môi trường lưu truyền, kể cả kinh sách, khiến tôn giáo tín ngưỡng không cách nào được trao lại. Dù có còn tồn tại đi nữa thì cũng chỉ là tàn khuyết, thích hợp cho sự nhồi nhét méo mó sau này theo chủ ý của kẻ chủ mưu.

2. Làm méo mó giáo nghĩa

Khi Đức quốc xã lên nắm quyền năm 1933, 66% người Đức theo đạo Tin Lành, 33% theo Công giáo, và chỉ có 1% là có niềm tin khác. Để làm méo mó giá trị quan truyền thống của người Đức vốn tập trung vào tín ngưỡng Kitô giáo, Hitler đã thành lập Bộ Khai sáng và Tuyên truyền Quần chúng (Ministry of Public Enlightenment and Propaganda) với sự giúp đỡ của Joseph Goebbels, để tuyên truyền cho thuyết “chủng tộc ưu tú Aryan” và “Kitô giáo tích cực”. Trong đó, “chủng tộc ưu tú Aryan” cho rằng người Đức là hậu duệ của người Aryan, một chủng tộc người được cho là đã từng thống trị châu Âu và Tây Á. Chính vì thế, người Đức là một chủng tộc ưu tú, và có quyền thống trị các chủng tộc khác.

Còn phong trào mang tên “Kitô giáo tích cực” (Positive Christianity) dưới lớp vỏ bọc tín ngưỡng, lại phản đối hầu như toàn bộ tín ngưỡng Kitô giáo, từ sự thần thánh của Chúa trời cho tới kinh Cựu ước. Những tín đồ của “Kitô giáo tích cực” cho rằng Kitô giáo truyền thống đã quá “bị động”, quá thụ động, chỉ chú ý vào sự thần thánh của Chúa Jesus, sự hy sinh của Chúa cho con người, mà không nhấn mạnh “tích cực” vào việc Chúa Jesus là một kẻ “thuyết giáo”, là một “chiến binh” chống lại Do Thái giáo, là một người mang huyết thống Aryan vĩ đại, v.v. Từ đó, “Kitô giáo tích cực” mong muốn hợp nhất người Đức về mặt chính trị, đánh vào mâu thuẫn giữa Công giáo và Tin Lành, hủy diệt Công giáo và đoàn kết những người Tin Lành vào nhà thờ “Kitô giáo tích cực”.

Làm méo mó giáo nghĩa, khiến những người có tín ngưỡng không còn phân biệt được rằng mình đang bị dẫn dắt đi lệch khỏi niềm tin của bản thân hòng kiểm soát con người.

3. Dựng chuyện, chụp mũ, tuyên truyền, kích động thù hận

Ngày 23/1/2001, tức ngày 13 Tết Nguyên đán, tại quảng trường Thiên An Môn đã xảy ra vụ “tự thiêu” của 5 người. Trong vòng vài giờ sau sự kiện này, những cảnh quay chi tiết đã liên tục phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước trên toàn Trung Quốc cũng như khắp thế giới, với các báo cáo tuyên bố rằng những người tự thiêu là người tập Pháp Luân Công, trong đó có một bà mẹ đã nổi lửa thiêu bản thân và thiêu con mình.

Bấy giờ là lúc cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ không đạt được tác dụng đủ lớn và cần thiết phải có một cú huých. Vụ tự thiêu đó được phát đi phát lại và bình luận trong suốt khung giờ chính trên kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc và các kênh truyền thông khác ở Trung Quốc, được lồng vào các chiến dịch tuyên truyền.

Một bằng chứng khác về sự dàn dựng, khi chai xăng và tóc là 2 thứ dễ bắt lửa nhất, không hề được che đậy hay đặt qua 1 bên, lại vẫn còn nguyên vẹn trên người của kẻ được cho là tự thiêu.

Tuy vậy, màn lừa đảo này đã bị lật tẩy bên ngoài Trung Quốc, khi các kênh truyền thông thế giới chỉ ra rất nhiều điểm đáng ngờ ngay trong những thước phim mà ĐCSTQ phát đi. Ví dụ như sau khi quay chậm thước phim, người ta mới nhận ra rằng một trong số những người tự thiêu (người mẹ nổi lửa thiêu con) đã bị chính một viên cảnh sát khuất trong đám khói đánh chết; hay những thước phim “mang đậm chất điện ảnh” mà ĐCSTQ nói rằng đã tịch thu của BBC bị đài này phủ nhận; v.v.. Tổng cộng có hàng chục bằng chứng cho thấy vụ tự thiêu này là giả mạo. Bộ phim tài liệu False Fire (Lửa giả) về vụ tự thiêu Thiên An Môn sau đó đã được quốc tế đón nhận, trực tiếp chỉ ra những chi tiết lừa đảo trong sự kiện này. (Xem thêm chi tiết và video về một số chi tiết dàn dựng trong vụ việc này: Tự thiêu giả ở Thiên An Môn: Vết nhơ không cách nào xóa được của ĐCSTQ)

Đáng chú ý, mặc dù ĐCSTQ cố tình gán cho những người thực hiện màn tự thiêu này là người tập Pháp Luân Công, tuy nhiên không có phóng viên nước ngoài nào được trực tiếp phỏng vấn họ hay người thân của họ. Phóng viên Philip Pan của tờ Washington Post đã từng tự mình đi điều tra về người mẹ phóng hỏa đốt con, và phát hiện rằng không có hàng xóm nào của cô ta từng nhìn thấy cô ta tập Pháp Luân Công. Philip Pan còn phát hiện ra người mẹ này đi làm trong hộp đêm để kiếm tiền, hoàn toàn trái ngược với giáo lý của Pháp Luân Công. Các phát hiện này được đăng tải trong bài viết “Human Fire Ignites Chinese Mystery” (Tạm dịch: Tự thiêu làm bùng lên những bí ẩn ở Trung Quốc) đăng trên Washington Post.

Nhưng ở bên trong Trung Quốc, vụ tự thiêu giả này đã hoàn thành mục đích của ĐCSTQ nhằm kéo dư luận sang phía đối lập với Pháp Luân Công. Tiếp theo đó, lợi dụng hình ảnh người mẹ nổi lửa thiêu con mình đã được mặc nhiên thừa nhận, truyền thông nhà nước còn bịa đặt những điều sai sự thật như hàng trăm học viên đã mổ bụng của họ, hoặc “hơn 30 người dân vô tội đã bị giết bởi các học viên Pháp Luân Công rối loạn tâm thần”, v.v. Những điều này còn xuất hiện cả trong sách giáo khoa. Chúng tạo ra cho người dân một tâm lý phòng vệ, cảnh giác, thậm chí là thù hận Pháp Luân Công.

Dựng chuyện, chụp mũ và tuyên truyền thường được sử dụng để phát động một cuộc đàn áp trực diện đối với một tôn giáo nào đó, hoặc là bước đệm cần thiết cho việc đàn áp tôn giáo. Trong khi đó, việc kích động thù hận trong lòng người dân sẽ đẩy một cuộc đàn áp tôn giáo lên đến đỉnh điểm.

4. Phá hoại từ bên trong

Vào những năm 20, 30 của thế kỷ trước ở Trung Quốc, hòa thượng Thái Hư, một người được ĐCSTQ đưa vào Phật giáo Trung Quốc, đã đưa ra cách nói “Phật giáo nhân gian”, cho rằng tam thừa cộng Pháp là Thiên thừa, Thanh Vấn, Viên Giác, thì hoặc thuộc về “Thần quyền mê tín” hoặc thuộc về “tiêu cực lánh đời”. Ông ta tiến thêm một bước nữa khi chủ trương “cuộc sống hóa tu hành hiện đại” và “trường học hóa tu hành hiện đại”, “sự nghiệp Phật giáo hiện đại hóa nên bao gồm nhà xưởng, nông trường, bảo hiểm, ngân hàng, công ty, v.v.” Cách làm dung tục hóa Phật giáo này trực tiếp đi ngược lại nguyên nghĩa của Phật Đà, hoàn toàn không phù hợp với cách tu hành của Phật giáo mấy nghìn năm.

Nhưng ĐCSTQ lại hoan nghênh “Phật giáo nhân gian” và cho rằng “Phật giáo nhân gian chính là thứ có thể tận dụng nhiều hơn”. Khi ánh mắt của tín đồ chuyển từ “Phật thổ” sang “nhân gian”, thì những người đại diện tôn giáo được ĐCSTQ cài vào còn liên tục phê phán và yêu cầu hủy bỏ giới luật của Phật giáo. Từ đó mới có những thành ngữ phổ biến ở Trung Quốc hiện tại như “sư hổ mang”, “sư chơi gái”… Cách phê phán phá hoại từ trong nội bộ này khiến hầu hết người bên trong tôn giáo bị mê hoặc.

Phá hoại từ bên trong là cài những người không có tín ngưỡng vào bên trong tôn giáo, trực tiếp dẫn dắt những người có tín ngưỡng đi theo con đường sai lầm, đồng thời khiến những người chưa bước chân vào tôn giáo cảm thấy chán ghét tôn giáo.

5. Tôn giáo chính trị – Sùng bái cá nhân

Giáo ước 1933 giữa Vatican và Đức quốc xã (gọi tắt của Chủ nghĩa xã hội Quốc gia Đức) về cơ bản nói rằng, nếu nhà thờ không làm “phiền lòng” Đức quốc xã, thì Đức quốc xã sẽ không đụng đến các nhà thờ. Khi chiến tranh xảy ra, Hitler cho rằng nếu tôn giáo có thể giúp, thì “nó chỉ có thể là một lợi thế”. Bộ tuyên truyền dưới sự chỉ đạo của Goebbels đã gây áp lực buộc các nhà thờ ủng hộ chiến tranh. Các nhà thờ ở Đức đã đồng ý, và không lên tiếng trước việc Đức xâm lược Ba Lan. Giám mục Marahrens đã bày tỏ lời cảm ơn chúa vì “tranh chấp Ba Lan” đã qua, và rằng “Chúa đã ban cho quân đội chúng ta chiến thắng nhanh chóng”. Bộ quan hệ nhà thờ (Ministry for Church Affairs) đã đề nghị việc rung chuông nhà thờ trên khắp nước Đức trong một tuần để ăn mừng, và đề nghị các mục sư và linh mục tình nguyện tham gia làm giáo sĩ cho quân đội Đức. Các giám mục Công giáo đã yêu cầu con chiên hỗ trợ chiến tranh và cầu nguyện rằng “ý chỉ của Chúa sẽ đưa cuộc chiến tranh này tới phúc lành của thành công, cho tổ quốc và người dân”. Tương tự, những người Tin Lành cũng cầu nguyện “cho vị lãnh đạo (Führer und Reichskanzler – ý chỉ Hitler) của chúng ta, cho quân đội của chúng ta, cho tất cả những ai đang phụng sự tổ quốc”…

Bản thân Hitler cũng được nhắc tới trong các tuyên truyền của Đức quốc xã với những danh hiệu như Supreme Judge of the German People (Thẩm phán tối cao của nhân dân Đức), First Soldier of the German Reich (Người lính đi đầu của Đức quốc xã), First Worker of the New Germany (Người công nhân đi đầu của nước Đức mới), Greatest Military Commander of All Time (Đại tướng xuất sắc nhất mọi thời đại), Military Leader of Europe (Lãnh đạo quân sự châu Âu), High Protector of the Holy Mountain (Người bảo hộ ngọn núi thần thánh), v.v. Những bài hát, những tác phẩm văn học, radio, v.v. đều tràn ngập hình ảnh của Hitler. Ông ta được tô vẽ thành một người hùng, một hình tượng thần thánh, được yêu mến, kính sợ và trọng vọng bởi người dân Đức.

Có thể nói, nếu nước Đức thắng trong chiến tranh thế giới thứ 2, thì Hitler chắc chắn sẽ trở thành giáo chủ của “tôn giáo chính trị” Đức quốc xã.

Tôn giáo chính trị và sùng bái cá nhân chính là kết cuộc cuối cùng trên bề mặt mà một chính quyền độc tài muốn đạt được. Thông qua phá hoại tôn giáo, họ tạo ra một khoảng trống tâm thức, và thông qua tôn giáo chính trị, họ khỏa lấp khoảng trống đó trong lòng người dân. Họ tạo ra một “giả thần” với mục đích cuối cùng là kiểm soát, khống chế thật chặt tư tưởng của người dân, bảo vệ chính quyền độc tài.

Thực chất, việc ma quỷ hóa tín ngưỡng sẽ đưa đến hậu quả cuối cùng là ma quỷ hóa con người. Khi con người không sống như một con người nữa, méo mó trong thứ “tôn giáo” do mục đích chính trị tạo ra, chỉ có một mục đích là bảo vệ sự độc tài và bảo vệ lợi ích cá nhân, thì tự họ sẽ bước đến hủy diệt bằng cách này hay cách khác.

Nguyễn Vĩnh

Theo trithucvn.net

TIN TỨC LIÊN QUAN

Xem thêm