Trong nửa cuối năm 2014, Orgyen Tobgyal Rinpoche đã tổ chức những Pháp hội Đại Thành Tựu Drupchen ở cả Lerab Ling (Pháp) và Bir (Ấn Độ) trước khi đến Bodhgaya vào tháng 12. Khá tình cờ, dưới Cội Bồ Đề, Ngài gặp hai đệ tử, những vị đã tham dự các Pháp hội Drupchen. Mong mỏi không bỏ lỡ cơ hội quý giá đến vậy, họ nhanh chóng thỉnh cầu Rinpoche ban Lung (khẩu truyền) cho Manjushri Nama Samghiti (Mật Điển Hồng Danh Đức Văn Thù). Một lời thỉnh cầu hợp lý và thậm chí là rất cát tường, các bạn có thể nghĩ vậy. Nhưng không, Rinpoche nói rằng với những vị có phước báu được ở dưới Cội Bồ Đề vĩ đại, thỉnh cầu một Lung thì khá là không hiểu vấn đề …
Phật Thích Ca Mâu Ni có lòng bi mẫn vô biên dành cho mỗi chúng sinh. Người ta nói rằng chính lòng bi mẫn vô biên này đã thúc đẩy Ngài phát khởi năm trăm “đại nguyện” vì hữu tình chúng sinh, kết quả trực tiếp của chúng là việc Ngài đạt giác ngộ viên mãn – điều chỉ ra cho chúng ta tầm quan trọng của việc phát khởi những nguyện ước. Bạn có thể thọ nhận một khẩu truyền ở bất cứ đâu, nhưng bạn chỉ có thể trở thành một vị “Phật” nhờ sức mạnh của nguyện ước.
Mong ước giác ngộ khởi lên vì lòng bi mẫn của bạn dành cho mọi hữu tình chúng sinh và chính lòng bi mẫn này thúc đẩy chúng ta phát khởi những nguyện ước, điều cuối cùng dẫn đến Phật quả. Vì vậy, bước đầu tiên hướng về Phật quả là phát khởi lòng bi mẫn.
Hữu tình chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới bị mê lầm bởi những ý nghĩ của chính họ. Chúng ta đều tưởng tượng một cái “ngã” trong khi chẳng có “ngã”. Và dựa trên nhận thức sai lầm căn bản này, những vô minh của luân hồi xuất hiện. Nếu bạn tiến hành vô số hoạt động Bồ Tát, cuối cùng bạn sẽ hoàn thiện những sự tích lũy công đức và trí tuệ; càng nhiều công đức được tích lũy thì càng nhiều che chướng được tiêu trừ. Khi bạn đã tiêu trừ mọi che chướng, bạn sẽ trở thành Phật, ở đây, tại chính nơi này.
Một vị “Phật” là người đã chứng ngộ tính Không, trong khi hữu tình chúng sinh trong các cõi giới của sự tồn tại bị mê lầm – phải vậy không? Vì thế, sự mê lầm phải được nhận ra xem nó là gì. Và khi bạn biết về mê lầm, bạn sẽ tích lũy “trí tuệ”. Danh hiệu ‘Đấng Toàn Tri’ cho chúng ta biết rằng Phật có trí tuệ thấu suốt tất cả – những vị không có trí tuệ được gọi là “hữu tình chúng sinh”, trong khi những vị có trí tuệ được gọi là “Phật”. Và ở đây, dưới Cội Bồ Đề, là nơi mà trí tuệ đó được chứng ngộ.
Thành tựu giác ngộ là kết quả của vô số hoạt động Bồ Tát. Dẫu vậy, khi bạn trở thành một vị Phật, mọi chuyện là như vậy đấy. Những phẩm tính giác ngộ của bạn sẽ tự nhiên làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh ở khắp nơi và mãi mãi. Bạn có thể chứng kiến hoạt động của “những phẩm tính giác ngộ” ở ngay đây, quanh Cội Bồ Đề. Mọi thứ bạn thấy là hoạt động giác ngộ của Đức Phật. Người ta nói rằng ở đây, tại Kim Cương tòa, an trụ tất cả một nghìn lẻ hai vị Muni của kiếp này và rằng mỗi ngày – hay thậm chí mỗi giây – vô số hữu tình chúng sinh nhận được lợi lạc như là kết quả. Hãy lấy chính bạn làm ví dụ; bạn là một doanh nhân, nhưng bạn đã du hành đến đây, dưới Cội Bồ Đề. Điều này nghĩa là bạn có công đức lớn lao bởi hầu hết doanh nhân trên thế giới này chưa bao giờ đến Bồ Đề Đạo Tràng. Tại đây, những tu sĩ và người ăn xin có ở khắp nơi, nhưng chẳng có những giám đốc điều hành trong bộ com lê doanh nhân – bạn có thấy ai không? Bồ Đề Đạo Tràng cũng là địa điểm linh thiêng nhất với những hành giả Đại Viên Mãn Dzogpa Chenpo. Đức Shri Singha và Manjushrimitra đã sống ở đây và Guru Rinpoche đã ở đây trong hai trăm năm.
Orgyen Tobgyal Rinpoche giảng dưới Cội Bồ Đề, Bodhgaya 13/12/2014
Nguyên tác: THE IMPORTANCE OF ASPIRATION PRAYERS—WHAT TO DO IN BODHGAYA.
Gyurme Avertin chuyển dịch Anh ngữ. Janine Schulz hiệu đính.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
—kimcuongthua.org—