Ignacy Jan Paderewski là cựu Thủ tướng Ba Lan, còn Herbert Hoover là cựu Tổng thống Mỹ. Trong quá khứ, hai vị này đã có những việc làm rất đẹp để giúp đỡ lẫn nhau. Người ta nói rằng, chính sự giúp đỡ nhau ấy đã không chỉ làm thay đổi vận mệnh của bản thân họ mà còn thay đổi vận mệnh của hàng triệu con người. Câu chuyện nhân quả dưới đây xảy ra tại đại học Stanford và đã được ghi vào lịch sử.
Vào cuối thế kỷ 19 ở Mỹ, có hai chàng trai trẻ tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đã thi đậu vào một trường đại học danh tiếng.
Để có tiền trang trải học phí và chi phí sinh hoạt, họ đã vừa học vừa làm. Họ nghĩ ra cách kiếm tiền, đó là quyết định tổ chức một buổi hòa nhạc cho một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng với hy vọng sẽ kiếm được một chút tiền hoa hồng nhỏ bé nào đó.
Vì vậy, họ đã tìm đến một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thời ấy là ông Ignacy Paderewski. Người quản lý của nghệ sĩ Ignacy Paderewski và hai chàng trai trẻ đã thỏa thuận với nhau. Họ thống nhất rằng vị nghệ sĩ sẽ nhận được 2.000 USD tiền thù lao cho buổi biểu diễn ấy.
Đối với vị nghệ sĩ mà nói thì số tiền thù lao này là phù hợp so với tên tuổi của ông lúc bấy giờ. Nhưng đối với hai chàng trai trẻ, thì 2.000 USD là một số tiền quá lớn. Nếu buổi biểu diễn mà họ tổ chức không thu về được 2.000 USD, thì họ sẽ bị lỗ nặng và rơi vào tình cảnh thê thảm.
Cuối cùng, hai chàng trai trẻ đã quyết định ký hợp đồng và bắt đầu dốc toàn tâm toàn lực cho buổi hòa nhạc ấy. Sau khi buổi hòa nhạc kết thúc, họ kiểm kê số tiền thu được và phát hiện rằng, họ chỉ thu được 1.600 USD.
Paderewski nhìn hai chàng trai nghèo và đã rất xúc động. Ông lập tức xé nát tờ giấy nhận nợ 400 USD đó đi. Sau đó, ông đã đưa trả 1.600 đôla cho hai chàng trai và nói: “Hãy dùng số tiền này để chi trả tiền học phí và phí sinh hoạt của hai cậu. Phần tiền còn lại sau khi chi trả, các cậu hãy lấy 10% làm tiền công. Tôi sẽ lấy số tiền còn lại!”
Trải qua nhiều năm sau, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất chấm dứt, nghệ sĩ dương cầm Paderewski trở lại quê hương Ba Lan và trở thành Thủ tướng Ba Lan.
Bởi vì bị chiến tranh tàn phá, đất nước Ba Lan lúc này vô cùng khó khăn về tài chính, người dân ở đó đang chết đói hướng về phía ông mà kêu cứu. Ông đã đi khắp nơi nhưng không thể tìm ra cách để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.
Cuối cùng, không còn lựa chọn nào khác, ông đã tìm đến Herbert Hoover, lúc ấy đang là chủ tịch Cơ quan Cứu trợ và Lương thực Hoa Kỳ để cầu xin sự trợ giúp.
Khi Herbert Hoover nhận được lời kêu gọi trợ giúp, ông đã không do dự mà lập tức đồng ý gửi cho Ba Lan một lượng viện trợ lương thực vô cùng lớn.
Ngay sau đó, hơn một vạn tấn lương thực viện trợ được chuyển đến Ba Lan. Người dân Ba Lan đã thoát khỏi “cái chết” trước nạn đói.
Thủ tướng Paderewski vì muốn biểu đạt lòng biết ơn của mình tới Herbert Hoover nên đã hẹn gặp trực tiếp ở Paris.
Khi hai người gặp nhau, Herbert Hoover nói:
“Ngài không cần phải cảm ơn tôi. Tôi mới chính là người phải cảm ơn ngài!
Thủ tướng Paderewski, có một việc có lẽ ngài đã quên từ lâu, nhưng tôi thì vĩnh viễn không thể quên! Đó là khi còn ở Mỹ, ngài đã từng giúp đỡ hai cậu sinh viên nghèo. Tôi chính là một trong hai chàng trai đó!”
Bởi vậy, có thể thấy làm việc tốt mà không mong cầu được báo đáp là đạo đức cao thượng của con người. Nhưng “có mất ắt sẽ có được” là chân lý nhân quả của vũ trụ. Trong cuộc sống, bất luận lòng tốt và sự chân thành nào cũng sẽ có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa mỗi người. Nó sẽ luôn tỏa sáng, nhất định sẽ không bị phai mờ và lãng quên bởi thời gian.
Khi đối mặt với những gian khổ hay niềm vui trong cuộc đời, người lương thiện sẽ thường dùng tâm thái bình tĩnh để đối đãi. Người có phẩm chất đạo đức cao thượng thường làm nhiều việc tốt để giúp đỡ những người khác mà không mong cầu được báo đáp ân huệ.
Những người nhận được sự giúp đỡ và ân huệ của họ cũng sẽ bắt đầu đối xử với người khác như vậy. Vì sự tác động ảnh hưởng qua lại, những người tốt làm việc thiện không cầu báo đáp sẽ thường xuyên có thể nhận được phúc báo bất ngờ. Đây chính là quy luật tự nhiên của sự tuần hoàn nhân quả.
An Hòa – trithucvn.net