Trẻ em Nhật được dạy tự lập từ rất nhỏ để hình thành thói quen, góp phần định hình tính cách sau này.
Chiều ngày 19/11, một tín hiệu cấp cứu được phát đi tại một vùng biển gần thành phố Sakaide, tỉnh Kagawa với nội dung: “Thuyền của chúng tôi va phải một vật lạ trôi dạt trên biển khiến nước tràn vào. Hiện có hơn 50 học sinh tiểu học trên thuyền”.
Tín hiệu phát ra từ một con tàu du lịch đang phục vụ buổi ngoại khóa của trường. Khi chuẩn bị đến điểm tham quan tiếp theo thì có tiếng va chạm lớn từ dưới đáy tàu. Ánh sáng trong tàu bất ngờ tắt ngúm, cảnh tượng giống như trong một bộ phim kinh dị. Theo vị thuyền trưởng, trong 20 phút nếu không được cứu hộ, toàn bộ số người trên tàu sẽ bị chết chìm.
Lũ trẻ bắt đầu sợ hãi, đội cứu hộ vừa mới chỉ lên đường. 6 giáo viên và 6 thuyền viên hiểu rằng giữa giờ phút sinh tử này, muốn sống sót thì phải tự cứu lấy mình. Ngay lập tức họ yêu cầu học sinh mặc áo phao, rồi lên nóc tàu lánh nạn. Chỉ với 6 giáo viên, không thể chăm sóc được tất cả bọn trẻ, nhưng những đứa trẻ từ 6-8 tuổi bình tĩnh trong cơn hoảng loạn. Chúng lặng lẽ đi theo chỉ dẫn của cô giáo và các thuyền viên khác.
Yuji Iwanaka là một ngư dân đang đánh cá cách điểm xảy ra tai nạn một km. Gặp tình huống khẩn cấp, anh đã gọi những ngư dân khác đến ứng cứu. Khi đến gần, anh khuyến khích bọn trẻ nhảy xuống biển từ nóc tàu. Đối diện với đại dương bao la, những đứa trẻ có chút ngập ngừng. Đúng lúc này, một bạn nam đã đứng dậy và hét lên: “Tớ sẽ nhảy xuống đầu tiên, sau đó đến các bạn”, nói rồi cậu bé lao đầu xuống biển. Cứ như thế, một, hai, ba… rồi tất cả lần lượt nhảy xuống. Một số được đưa lên thuyền của ngư dân, nhiều trẻ khác phải lênh đênh giữa dòng nước chờ cứu hộ. Không ai vùng vẫy hay la hét. Khoảng 20 phút sau sự cố, toàn bộ các giáo viên, học sinh và thuyền viên đều được cảnh sát biển cứu, không ai bị thương.
“Đối mặt với đại dương bao la, con người dường như quá nhỏ bé và sự sống bắt đầu lên giây cót đếm ngược. Thời điểm này, người lớn có thể giả vờ mạnh mẽ, còn trẻ con lại có thế bình tĩnh, điềm đạm khi đối mặt với biến cố lớn như vậy là một điều rất tuyệt vời’, ngư dân Yuji Iwanaka nói. Sau khi giải cứu, các em cũng lần lượt cúi đầu cảm ơn những người cứu hộ.
Trong nền giáo dục Nhật Bản, dạy trẻ cách tự chủ, kỷ luật và biết chịu đựng, biết chiến đấu là một trong những bài học cuộc sống quan trọng nhất.
Bắt đầu từ mẫu giáo, trẻ em Nhật đã được dạy cách tự lập và trau dồi ý thức tập thể. Điều kiện tiên quyết khiến chúng dám đối mặt với đại dương bao la là phải biết bơi. Ở các trường mẫu giáo tại Nhật, trẻ thường xuyên được bơi lội trong trang phục giản dị để trải nghiệm cảm giác rơi xuống nước.
Là quốc gia hứng chịu nhiều trận động đất, từ cấp mẫu giáo, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh núp dưới gầm bàn một cách bình tĩnh. Nếu có cảnh báo sóng thần, trẻ được học cách xếp hàng trật tự và cầm tay nhau di chuyển đến nơi an toàn. Toàn bộ quá trình diễn ra rất trật tự và không ồn ào. Hoặc trong tình huống giả định khi có kẻ xấu ập vào lớp học hay có báo động cháy, ngay khi một số trẻ sợ hãi và khóc thét nhưng sau đó chúng vẫn ngoan ngoãn xếp hàng và thoát khỏi hiện trường dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Ví dụ như để trẻ phát triển những thói quen, kinh nghiệm sống tốt, trường mẫu giáo có tên Fuji ở Tokyo đã hướng dẫn trẻ như sau.
Khi vừa bước chân vào trường buổi sáng, trẻ gặp ai cũng phải cúi chào. Khi cởi giày dép đặt vào nơi quy định, phải để ngay ngắn và gọn gàng nhất có thể. Vòi rửa tay nơi sân chơi không có bồn hứng nước. Nếu không chú ý, nước sẽ tạt vào gây ướt chân. Bằng cách này trẻ sẽ ý thức được việc điều chỉnh dòng nước và tắt vòi ngay sau khi rửa tay.
Nhật Bản rất coi trọng giáo dục thể chất, ngay cả trẻ em mẫu giáo cũng phải học các môn kiếm đạo và Hán tự. Buổi sáng khi đến lớp, trẻ sẽ được tập thể dục nhẹ để kéo căng cơ trước khi bắt đầu vào học.
Không chỉ giáo dục thể chất mà còn về mặt tình cảm, giáo viên trong trường thường xuyên nhắc tới hai chữ “Tình yêu”. Theo thầy hiệu trưởng của trường, “Tình yêu” là một khái niệm rất rộng không chỉ giới hạn trong quan hệ nam nữ. “Điều mà giáo viên trong trường cần làm là truyền những tình yêu thương giữa con người với con người cho học sinh của mình”, thầy hiệu trưởng nói.
Trong bữa trưa, việc rèn luyện của bọn trẻ vẫn được phản ánh chi tiết. Nhà trẻ khuyến khích trẻ chia sẻ hộp cơm của mình, nhưng chúng cũng phải học cách bảo vệ đồ đạc của bản thân trong các tình huống tranh chấp, ví dụ như bị ai đó cướp mất.
Trong trường, giáo viên hướng dẫn học sinh tự tay trồng rau. Khi thu hoạch, các em có cảm giác mãn nguyện được cầm thành quả rất khó khăn mới đạt được. Sau bữa ăn, học sinh có trách nhiệm phân loại đồ ăn trước khi đổ rác. Vỏ sữa sau khi uống được rửa sạch, lau khô rồi cho vào thùng tái chế. Ở trường mẫu giáo, những gì bọn trẻ được học không phải là đánh vần hay tập đếm, mà là làm thế nào để biết ơn và nói “cảm ơn!”
Thông qua một số hành động đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, các em có thể rèn luyện tinh thần độc lập suy nghĩ, dũng cảm đối mặt với khó khăn, nguy hiểm.
Trình độ giáo dục cơ bản của Nhật Bản thuộc hàng tốt nhất ở Châu Á.
Không chỉ tại trường học, cha mẹ tại Nhật cũng rất coi trọng sự trưởng thành của con cái. Họ thường dùng những hành động đơn giản trong cuộc sống để rèn luyện tính tự lập cho trẻ.
Tại Nhật, chương trình truyền hình thực tế First Go (Bước đi đầu tiên) đã có thâm niên 29 năm. Các nhân vật chính của chương trình là nhóm trẻ từ 2-7 tuổi. “First Go” quay lại trải nghiệm của nhóm trẻ khi ra ngoài một mình. Đó là lần đầu các em đến cửa hàng để mua đồ hay mua thức ăn cho gia đình.
LiLi một cô bé 3 tuổi tham gia chương trình với nhiệm vụ một mình ra ngoài để mua một bó hoa cẩm chướng tặng mẹ. Lần đầu ra ngoài và làm mọi thứ một mình, cô bé đã khóc và chạy đi tìm cha – người cùng tham gia chương trình.
Trước khi để con thực hiện nhiệm vụ, người cha đã nhét rất nhiều kẹo vào túi của LiLi và nói “Con phải tiến lên phía trước”. Người cha lặng lẽ nhìn LiLi rời đi. Cô bé quay đầu khóc nấc nhưng rồi can đảm tiến lên phía trước như lời dặn dò của bố. Mỗi khi ngừng khóc, LiLi lại lấy kẹo trong túi ra ăn.
Cứ từng bước như vậy, cô bé 3 tuổi cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ. Một bó hoa cẩm chướng được mua để tặng mẹ. Khi thấy con gái tay xách nách mang nhiều đồ về chỗ hẹn, người cha ôm mặt. “Dù rất thương con, nhưng tôi vẫn muốn để cháu tự làm mọi thứ, từ mua bán cho tới xách đồ”, bố LiLi chia sẻ.
Ngay từ khi mẫu giáo, nhiệm vụ của phụ huynh Nhật là đưa trẻ đến điểm xe bus để chúng tự đi đến trường. Cha mẹ cũng khuyến khích trẻ tự lập trong mọi mặt của cuộc sống như tự mặc quần áo. Ở Nhật trẻ 2-3 tuổi đã biết cách mặc quần áo gọn gàng. Đi học về, dù cặp sách rất nặng nhưng trẻ cũng phải tự mang. Trong gia đình, phụ huynh để con tham gia việc nhà từ khi còn nhỏ nhằm rèn luyện tính tự lập, yêu lao động cho trẻ.
Vị hiệu trưởng ngôi trường mầm non Fuji cho biết: “Cha mẹ Nhật luôn coi trách nhiệm mà họ có ngang bằng với tình yêu thương. Họ không cần vướng bận hay lo lắng mà chọn cách lớn lên cùng con cái”.
Vị này cũng giải thích, nhiều bố mẹ người Nhật không tạo quan niệm giai cấp trong gia đình, con nhỏ phải nghe lời người lớn. Mọi người đều là một cá thể, tôn trọng mọi thứ của nhau, chấp nhận trẻ để chúng trở thành những người tốt hơn trong quá trình trưởng thành sau này.
“Là cha mẹ, không nên là chiếc ô che chở tương lai của trẻ, mà cùng con lớn lên và dạy chúng cách đối mặt trực tiếp với các vấn đề của cuộc sống, dù khó khăn đến mấy”, vị hiệu trường nói.
Vy Trang (Theo sohu)
Nguồn: Vnexpress.net