Soi chiếu vào bản kinh “Bảy loại vợ”, những người xây tổ ấm sẽ tự xác định được mình thuộc loại vợ nào và nên trở thành loại vợ nào để gia đình trong ấm ngoài êm.
Bản kinh chép, một ngày nọ, Đức Phật đến dự đại lễ cúng dường tại nhà vị trưởng giả Cấp Cô Độc, người nổi danh khắp Ấn Độ thời cổ vì đức hạnh giúp đỡ những mảnh đời đói khổ, tật bệnh, cô độc. Con người tưởng chừng hạnh phúc tuyệt vời đó mặt ủ mày chau, thở dài thườn thượt khi Đức Phật hỏi về những tiếng nói xoe xóe khiến căn nhà trở nên ầm ĩ bất chấp việc gia đình đang đón tiếp những vị khách đạo cao đức trọng.
Trưởng giả thẹn thùng, rầu rĩ thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, con có nàng dâu tên gọi Su-cha-ta. Cháu vốn sinh ra trong một gia đình danh giá và giàu có. Tưởng sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt như thế, cháu sẽ là nàng dâu ngoan ngoãn giỏi giang, thương yêu chồng con, quý trọng gia đình. Thế nhưng, cháu lại ỷ vào gia thế mà không biết cung kính cha mẹ chồng, tôn trọng người tay ấp má kề, nể nang khách quý, thương yêu gia nhân. Những tiếng ồn ào đó chính là do người con dâu ngỗ nghịch của con phát ra”.
Nói đến đây, trưởng giả Cấp Cô Độc chân thành bày tỏ ước muốn Đức Phật giáo hóa cho Su-cha-ta để nàng trở thành vợ hiền dâu thảo, để ngôi nhà của mình rộn tiếng cười vui, gia phong thêm thuần khiết.
Su-cha-ta được gọi ra mắt Đức Phật. Trước dáng vẻ từ bi và đầy uy nghi của ngài, nàng bất giác sụp xuống kính lạy và chăm chú nghe lời dạy dỗ của Đức Thế Tôn. Phật hỏi nàng: “Này Su-cha-ta, trên thế gian có bảy loại vợ. Con hãy chín chắn nghĩ suy, xem con thuộc loại nào và nên là loại vợ nào: Vợ như kẻ phá hoại, vợ như kẻ trộm, vợ như bà chủ, vợ như mẹ hiền, vợ như em gái, vợ như bạn đồng hành, vợ như người phục vụ”.
Su-cha-ta tỏ ra bối rối, chưa hiểu mình thuộc loại vợ nào, và càng không hiểu mình nên là loại vợ nào. Nàng cầu xin Đức Phật từ bi giảng giải. Với tình thương vô hạn đối với đứa con lạc lối, Đức Thế Tôn ân cần giải thích:
“Vợ như kẻ phá hoại là người có tâm hiểm độc, không chung thủy, chỉ vì choáng ngợp trước sự giàu có hay vẻ bề ngoài mà luôn khinh thường chồng, tính tình hiếu thắng…
Vợ như kẻ trộm là người không chung sức chăm lo kinh tế gia đình, đã thế còn tiêu xài vô cùng hoang phí tài sản hợp pháp của chồng tạo ra…
Vợ như bà chủ là người ỷ lại, lười biếng, không biết nói lời từ ái, không chút nhu hòa, phát ngôn thô tháo, thích lấn lướt chồng…
Vợ như mẹ hiền là người có lòng thương yêu, lo lắng, chăm sóc, giúp chồng hết mực, biết cách giữ gìn, làm giàu tài sản của chồng tạo ra, như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái mình…
Vợ như em gái là người thùy mỵ, đoan trang, khiêm tốn, nhún nhường, hiểu và thuận phục chồng mình như với anh ruột trong gia đình…
Vợ như bạn đồng hành là người hiểu biết, cảm thông, niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như thể hội ngộ một người bạn thân, từ lâu mới gặp…
Vợ như người phục vụ là người tính tình mềm mỏng, không giận hờn, dù khi bị chồng đối xử không đẹp vẫn khéo nhường nhịn, không hề lỗ mãng, biết tùy thuận chồng, khéo léo khuyên răn, thuyết phục chồng mình…”.
Cuối cùng, Đức Phật khuyên bảo: “Này Su-cha-ta, trong bảy loại vợ mà ta vừa nói, ba hạng vợ đầu đều là không tốt, con không nên giống, nỗ lực vượt qua. Bốn loại vợ sau tạo ra hạnh phúc cho gia đình mình và cho con cái”.
Thấm thía lời dạy của Đức Phật, nàng Su-cha-ta sinh lòng hối hận, nước mắt tuôn trào. Nàng thành tâm phát nguyện mình sẽ trở thành người vợ thảo hiền, hết lòng phụng sự chồng con và gia đình, biết cách thuyết phục chồng… như người phục vụ vậy. Từ đó, nàng dần dần thay tâm đổi tính, gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc ngày càng rộn rã tiếng cười, gia phong thêm bền chắc, của cải thêm đủ đầy.
Nhìn lại 7 loại vợ mà Đức Phật nêu, không khó để bất cứ ai trong chúng ta phân biệt loại nào là tốt hay xấu; nhưng chúng ta sẽ khó hơn khi soi chiếu để thấy mình thuộc loại nào trong bốn loại vợ tốt; và càng khó để thừa nhận mình thuộc loại nào trong ba loại vợ chưa tốt.
Nhưng, hãy tĩnh lặng để thành tâm mà quán chiếu. Trong một tháng, một tuần, hay thậm chí chỉ một ngày thôi, bảy loại vợ đó đều có mặt trong chúng ta, đưa chúng ta vào trạng thái an vui hay dằn vặt chúng ta trong những cơn tức giận.
Chẳng hạn như, một thoáng so sánh chồng với “ông hàng xóm”, trong ta sẽ có những nét của loại “vợ phá hoại”. Lùi bước trước sự cám dỗ của một món nữ trang đắt tiền mà không hữu dụng chính là “vợ kẻ trộm”. Thích quát mắng chồng, đích thị là “vợ bà chủ”.
Không khí gia đình sẽ nhẹ nhõm bao nhiêu nếu có “vợ mẹ hiền” hết lòng lo lắng cho chồng con miếng ăn giấc ngủ, “vợ em gái” luôn coi trọng chồng như bậc huynh trưởng, “vợ đồng hành” với chồng trước những lo toan trong cuộc sống, và “vợ phục vụ” luôn nhịn nhường nhưng cũng biết khéo léo khuyên răn, thuyết phục chồng.
Để trở thành vợ tốt, chúng ta cần có bên cạnh mình những người chồng tốt. Tuy nhiên, dù cho hoàn cảnh không thuận lợi đến thế nào, những người phụ nữ có trí tuệ nhất, có tình thương bao la nhất vẫn kiên định sửa mình thành người vợ tuyệt vời để cho con, cho chồng, cho gia đình và như vậy cũng là cho chính mình.
Nguồn: Pháp Định