Từ xưa đến nay, cây cầu nào thì hai bên đều gọi là đầu cầu, không có đuôi cầu, như thế là sao?
Chuyện kể, có hai anh ăn trộm đi vào làng nọ, ngang ngôi chùa, có vị sư già trông thấy bảo: tướng của hai chú có thể bị tù tội, hai người thấy thế mà đi riết vào làng. Đêm đó rình một gia đình chỉ có người phụ nữ có mang, không ai có nhà, mới vừa đầu hôm người nữ ấy chuyển dạ đau bụng sanh, thấy thế hai anh động lòng, thấy cảnh đơn thân lúc hoạn nạn, nên người đi rước mụ, người thì nấu nước, đêm đó sáng đêm phụ đỡ đẻ. Đến sáng ra về thất thỉu, gặp sư già hôm qua nói: tướng hai chú tốt, hai người đứng lại nhìn sư mà nói: xấu cũng sư mà tốt cũng sư. Sư bảo: đêm hôm có làm việc tốt phải không, rồi hai người kể mọi việc sư nghe. Nghe xong sư khuyên hai người bỏ nghề ăn trộm về chùa ở lo tu hành.
Hai người chấp nhận về chùa, được sư chỉ dạy con đường tu, và đưa cho miếng đất trồng cây ăn trái. Ở cũng được vài năm, một hôm vào buổi trưa, đang ở miếng vườn, có người phụ nữ đứng bên bờ mương bên kia kêu: hai anh ơi làm ơn cho tôi nảy chuối cao, tôi có mang, thèm chuối quá đi, nhưng phải chính tay tôi bẻ mới được. Thấy thế, hai người nói để tôi dìu cô qua, cô bảo: không được đâu, chồng tôi khó tánh lắm, ảnh mà gặp tôi nắm tay ai là ảnh giết tôi chết. Thấy thế hai anh nói: vậy để tôi dùng cây chuối làm cầu cho cô đi qua. Cô bảo: không được, đi trên cây chuối chân em mềm, thân chuối trơn, lỡ té hư thai.
Một hồi lâu cô ấy bảo, không mấy hai anh làm cầu cho em qua đi. Thấy cô gái có mang tội nghiệp, nên hai người xuống mương khòm đầu, hai đít đụng nhau làm cầu cho cô đi qua. Đi vừa qua bờ bên kia thì cô gái hóa thành Phật bà, chiếu sáng hào quang, khiến mọi người ai cũng thấy. Trên không trung văng vẳng tiếng rằng: hai người này có tâm tốt, chân thật tu hành, nay mãn số ta đem về cõi lành, còn hai cái xác ấy lúc trước làm điều tội lỗi, nên nay đọa làm cầu cho mọi người đi.
Do mô hình đó, hai cái đầu gát lên hai bờ đất gọi là đầu cầu. Bốn cái chân là chân cầu.
Trích Bảo ôn tích