Nậm Pồ, một huyện vùng cao biên giới thuộc tỉnh Điện Biên, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Thái… Với địa hình chủ yếu là đồi núi cao, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông lạnh buốt, mùa hè khô hạn, việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiết yếu, đặc biệt là nước sạch, luôn là một thách thức lớn đối với bà con nơi đây. Hệ thống nước sạch chưa phát triển đồng bộ, nhiều gia đình vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên từ khe suối hay giếng đào. Trong mùa khô, nước khe cạn kiệt, bà con và các em học sinh phải di chuyển quãng đường xa để lấy nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập.
Được thành lập vào năm 2014, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THPT Nậm Pồ tại xã Nậm Chua, là ngôi trường dành cho học sinh dân tộc thiểu số vùng cao với điều kiện học tập và sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Tọa lạc tại bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ, trường không chỉ là nơi học tập mà còn là mái nhà chung của hơn 500 em học sinh nội trú. Các em đến từ những bản làng xa xôi, vượt hàng chục cây số đường rừng, nhiều em phải đi bộ hoặc nhờ xe đón để có thể đến trường. Dù điều kiện vật chất còn thiếu thốn, nhưng thầy cô và học sinh nơi đây luôn nỗ lực không ngừng, vươn lên trong học tập với khát khao chinh phục tri thức. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước sạch trong nhiều năm qua là một trở ngại lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của thầy và trò nhà trường.
Từ bao đời nay, bà con và các em học sinh nội trú tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THPT Nậm Pồ đã quen với việc dùng nước từ “mó” – những dòng nước nhỏ dắt từ khe rừng, từ những con suối xa. Mùa khô đến, từ tháng 12 đến tháng 5, dòng nước vàng dần khô cạn, nhiều em phải chịu đựng cái lạnh buốt, len lỏi qua những cung đường quanh co để kiếm nước. Thật xót xa khi thấy hình ảnh những đứa trẻ gầy nhẵng, khoác trên vai những chiếc can nhựa lớn, chân trần bám chặt đường rừng.
Thấu hiểu sâu sắc tình cảnh ấy, nhóm Tuệ Tâm VH đã kết nối với gia đình anh Nguyễn Huy Hòa, một người con đất Bình Dương với tấm lòng nhân ái, để tài trợ xây dựng giếng khoan từ thiện Phúc Lạc (giếng Tuệ Tâm 42). Tổng kinh phí xây dựng giếng khoan là 38 triệu đồng, trong đó nhà tài trợ đóng góp 33 triệu đồng để khoan giếng và địa phương đối ứng thêm 5 triệu đồng để xây mái che bảo vệ vị trí lấy nước. Công trình này không chỉ cung cấp nguồn nước sạch mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các em học sinh, giúp các em có thêm động lực vững bước đến trường.
Ngày lễ bàn giao giếng khoan từ thiện Phúc Lạc (giếng Tuệ Tâm 42) là một ngày thật đáng nhớ. Hoà vào không khí buổi sáng se se lạnh, cùng không khí hân hoan tràn ngập hương thơm hoa rừng, sự hiện diện của các em học sinh, thầy cô giáo, bà con địa phương đã tạo nên một khoảnh khắc thiêng liêng. Những giọt nước trong lành từ giếng khoan không chỉ giải cơn khát mà còn mang đến niềm tin và hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Những dòng nước mát tuôn ra không ngừng nghỉ, trong veo, như nói lên ý chí vượt lên mọi nghịch cảnh vẫn luôn sáng trong, mát lành và tinh khiết.
Công trình cấp nước sạch giếng khoan Phúc Lạc (giếng Tuệ Tâm 42) đã mang theo sự sẻ chia, yêu thương từ nhà tài trợ, là minh chứng cho tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Nó nhắc nhở chúng ta rằng lan tỏa yêu thương sẽ luôn là hành trình vô hạn, luôn cần được tiếp nối và lan tỏa không ngừng.
Nhóm Tuệ Tâm VH xin gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình anh Nguyễn Huy Hòa – người đã mang đến nguồn nước quý giá cho các em học sinh vùng cao Nậm Pồ. Mong rằng sẽ có thêm nhiều tấm lòng nhân ái cùng chung tay, để không còn những em nhỏ phải đi bộ hàng chục cây số chỉ để tìm một nguồn nước sạch.
“Ở đâu có tình thương, ở đó có con đường.” Và hôm nay, con đường đến với tri thức của các em học sinh Nậm Pồ đã trở nên rộng mở hơn nhờ nguồn nước trong lành của giếng khoan từ thiện Phúc Lạc (giếng Tuệ Tâm 42) tiếp sức. Và hơn hết nhóm Tuệ Tâm VH luôn tin rằng mỗi điều tốt đẹp đều xuất phát từ tâm hồn yêu thương. Nguồn nước sạch có thể đối với nhiều người dân thành phố là điều kiện tối thiểu, nhưng với các em nội trú ở Nậm Pồ, đây là sự đổi thay, là phép màu. Hy vọng, những dòng nước yêu thương sẽ tiếp tục lan tỏa, gieo thêm những hạt mầm yêu thương, nhắc nhở ta rằng, trong cuộc sống này, mỗi sự san sẻ đều đáng trân quý biết bao nhiêu!