Chúng ta cần trau luyện tính nhẫn nhục dù chúng ta không có quan tâm sự phát triển tâm linh vì không có nó chúng ta vẫn có thể bị tổn thương đối với sự lo âu, tâm trạng thất vọng và sự bất an. Nếu thiếu nhẫn nhục, chúng ta khó giữ mối liên hệ ôn hòa với những người khác. Nhẫn nhục đối trị sân hận, và sân hận là kẻ hủy diệt công đức mãnh liệt nhất. Chúng ta có thể thấy từ kinh nghiệm của mình có biết bao đau khổ khởi lên từ sân hận. Nó ngăn chúng ta khỏi sự xét đoán tình huống một cách đúng đắn, và nó khiến chúng ta hành động theo cách hối tiếc. Nó phá hủy sự bình yên trong tâm chúng ta và làm phiền những người mà chúng ta gặp. Ngay cả những người lúc bình thường bị chúng ta thu hút cũng ghê sợ khi thấy ta tức giận. Sân hận có thể khiến chúng ta lăng mạ cha mẹ mình; và khi cơn giận dữ quá cao, nó có thể dẫn chúng ta đến hành động giết người ta yêu mến hoặc ngay cả tự hủy mạng sống chính mình. Thường thì cơn giận được tạo ra bởi vài điều gì đó hoàn toàn không quan trọng, chẳng hạn như lời chỉ trích theo quan điểm cá nhân của ai đó về một thói quen làm ta thấy phát cáu, hoặc sự mong cầu không được thỏa mãn. Dựa vào những trải nghiệm nhỏ như vậy, sân hận dệt thành hình ảnh tưởng tượng phức tạp, phóng đại tình cảnh khó chịu, cung cấp sự hợp lý hóa và sự biện minh cho cảm giác chán nản, tổn thương hay phẫn uất của chúng ta. Nó khiến chúng ta nói và làm những điều có hại để rồi dẫn đến mất lòng người khác và biến sự khó khăn nhỏ thành vấn đề lớn. Nếu được hỏi ‘ai đã gây ra tất cả các cuộc chiến tranh mà trong đó có quá nhiều người chết,’ chúng ta sẽ trả lời rằng đều do tâm sân hận gây ra. Nếu các nước có đầy đủ sự bình tĩnh, con người yêu hòa bình, làm sao chiến tranh phát sinh? Sân hận là kẻ thù lớn nhất của con người. Nó làm hại chúng ta không chỉ trong quá khứ, bây giờ nó cũng làm hại ta, và, nếu chúng ta không chế phục nó qua sự tu tập nhẫn nhục, nó sẽ tiếp tục làm hại chúng ta
trong tương lai. Như ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói: Kẻ thù sân hận này không có chức năng nào khác hơn là làm tổn thương ta. Những kẻ thù bên ngoài làm hại chúng ta trong những cách thế chậm hơn và ít tinh vi. Nếu thực hành pháp nhẫn nhục, chúng ta có thể chinh phục họ và hướng họ trở thành bạn, nhưng với kẻ thù sân hận thì không thể có sự giảng hòa như thế. Nếu chúng ta khoan dung với sân hận nó sẽ lấy đi hoàn cảnh thuận lợi của chúng ta và làm hại chúng ta không chỉ trong đời này, mà còn trong các kiếp sống tương lai. Do đó, chúng ta cần loại trừ sân hận ngay khi nó đi vào tâm của chúng ta vì nếu chúng ta không loại bỏ, nó sẽ nhanh chóng trở thành ngọn lửa cháy rực đốt công đức của chúng ta. Nói cách khác, nhẫn nhục giúp ích chúng ta trong đời này và trong tất cả kiếp sống tương lai. Ngài Tịch Thiên nói:
Không có tội lỗi nào hơn sân hận Và không có đức hạnh nào hơn nhẫn nhục.
Với nhẫn nhục, chúng ta có thể kham nhẫn bất cứ sự đau khổ nào giáng lên chúng ta, chúng ta có thể dễ dàng chịu đựng những sự ác cảm và phiền muộn thông thường của mình. Với nhẫn nhục, không điều gì có thể đánh đổ sự bình an trong tâm ta và chúng ta cũng không phải nếm trải các rắc rối. Với nhẫn nhục, chúng ta giữ được sự an hòa và yên tĩnh bên trong. Điều này giúp sự nhận thức tâm linh phát triển. Ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti) nói rằng nếu chúng ta tu tập nhẫn nhục chúng ta sẽ có tướng mạo tốt đẹp trong tương lai, và chúng ta sẽ trở thành bậc thánh thiện có nhận thức cao vời. Nhẫn có ba pháp:
Pháp nhẫn không trả thù
Pháp nhẫn tự nguyện kham chịu đau khổ
Pháp nhẫn trong sự tư duy sâu xa về Pháp.
Pháp nhẫn không trả thù
Để tu tập pháp nhẫn này chúng ta cần giữ sự chú tâm liên tục về những nguy hiểm của sân hận và những lợi ích của sự nhẫn nại chấp nhận hoàn cảnh, và bất cứ khi nào sân hận sắp khởi lên chúng ta cần áp dụng ngay các phương pháp loại bỏ nó. Chúng ta nên bắt đầu bằng cách học chịu đựng những khó khăn nhỏ chẳng hạn như những sự lăng mạ tầm thường hoặc những thất bại nhỏ trong đời sống hành ngày, rồi dần dần trau dồi hạnh nhẫn cho đến khi chúng ta có thể kham nhẫn được sự khó khăn lớn nhất mà không có sân hận. Khi suy ngẫm về nhẫn nhục chúng ta có thể dùng nhiều lý lẽ khác nhau để giúp ta vượt qua khuynh hướng trả thù. Ví dụ, chúng ta có thể quán rằng nếu ai đó đánh chúng ta bằng gậy chúng ta không tức giận cây gậy bởi vì nó được sử dụng bởi kẻ tấn công và không có sự chọn lựa. Theo cùng cách đó, nếu ai đó lăng mạ hoặc tổn hại chúng ta, chúng ta không tức giận họ vì họ bị lôi kéo bởi sự đánh lừa của tâm mình và cũng không có sự chọn lựa. Tương tự, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng như một bác sĩ không tức giận nếu bệnh nhân sốt lăng mạ ông ta, cũng thế chúng ta không tức giận nếu những người mê mờ đang đau khổ vì căn bệnh vô minh làm hại chúng ta. Có nhiều lý lẽ đặc biệt như vậy được tìm thấy trong các bản chú giải về các giai đoạn của đạo lộ (Lamrim), như tác phẩm Đường Hạnh Phúc của Vận Mệnh Tốt Đẹp, và trong các bản chú giải về sự tu dưỡng tâm (Lojong), như quyển Để Thấy Thật Ý Nghĩa. Lý do căn bản vì sao chúng ta nhận lãnh tổn thương là vì chúng ta đã tổn thương ai đó trong quá khứ. Những ai tấn công ta chỉ là do các duyên của nghiệp đã chín muồi; nguyên nhân thực sự của tất cả sự tổn thương mà chúng ta nhận lãnh chính là tính chất tiêu cực của mình. Trong những trường hợp như thế chúng ta thậm chí phải gánh chịu nhiều sự tổn hại hơn trong tương lai. Tuy nhiên, bằng cách kham nhẫn chấp nhận lãnh sự tổn thương, cái chuỗi này bị chặt đứt và món nợ biệt nghiệp đó được trả xong.
Pháp nhẫn tự nguyện kham chịu đau khổ
Nếu không có pháp nhẫn tự nguyện kham chịu đau khổ, chúng ta sẽ nản chí bất cứ khi nào chúng ta gặp sự trở ngại và bất kỳ lúc nào ước muốn của chúng ta không được thỏa mãn. Chúng ta thấy thật khó hoàn thành nhiêm vụ vì chúng ta cảm thấy muốn thoát khỏi chúng ngay khi chúng trở nên khó khăn, và đau khổ của chúng ta bị trầm trọng hơn bởi sự thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, khi có thể chấp nhận và chịu đựng khổ đau nếu chúng ta có lý do tốt để làm như thế; và bất cứ khi nào chúng ta hành nhẫn nhục như thế chúng ta thực sự giảm bớt khổ đau của mình. Ví dụ, nếu ai đó châm một cây kim sắc vào thịt chúng ta, chúng ta cảm thấy đau không chịu nổi, nhưng nếu mũi kim có chứa một loại vắc-xin chúng ta cần, lòng bao dung của chúng ta sẽ tăng lên đáng kể.
Ngay cả để thành tựu những mục đích thế tục con người cũng được chuẩn bị để chịu đựng sự bất hạnh. Ví dụ, những người buôn bán đã hy sinh thời gian rảnh rỗi và sự an tâm của họ chỉ để làm ra tiền, và người lính hoàn thành những nhiệm vụ vô cùng khó khăn chỉ để giết những người lính bên kia. Chúng ta có bao nhiêu quyết tâm để chịu đựng những gian khó vì mục đích cao cả nhất trong tất cả – mục đích chứng đắc giác ngộ vì lợi lạc hết thảy chúng sinh? Vì đang trong vòng sinh tử, chúng ta thường chịu đựng những nghịch duyên khó chịu và bất hạnh. Tuy nhiên, với hạnh nhẫn tự nguyện kham chịu đau khổ, chúng ta có thể can đảm chấp nhận một cách vui vẻ những sự bất hạnh này bất cứ khi nào chúng xảy đến. Khi bất toại ý, hoặc khi bệnh, khi mất người thân, hoặc những mặt khác của sự khó khăn, chúng ta không nên nản chí. Thay vì cảm thấy thương hại mình, chúng ta nên dùng nỗi khổ để làm cho vững sự tu tập tâm linh của mình. Chúng ta có thể nhớ lại tất cả khổ đau của mình là kết quả của nghiệp xấu trước đó của chúng ta và quyết tâm tu tập tịnh giới trong tương lai; hoặc chúng ta có thể quán rằng miễn chúng ta còn trong luân hồi, khổ đau là không thể tránh khỏi, và do đó làm tăng ước muốn thoát khỏi sinh tử; hoặc chúng ta có thể dùng sự khổ đau như một minh họa của nỗi khổ đau lớn hơn nhiều được trải nghiệm bởi những người khác và theo cách này làm vững mạnh tâm bi của mình. Nếu chúng ta có thể chịu đựng những sự bất hạnh chúng ta sẽ hưởng được những phần thưởng lớn lao. Nỗi khổ hiện tại của chúng ta sẽ giảm những ước nguyện tạm thời nhưng những ước nguyện lớn của chúng ta sẽ được hoàn thành. Như thế, khổ đau không nên bị xem như một trở ngại cho sự tu tập tâm linh của mình mà xem như một sự trợ duyên không thể thiếu. Như ngài Tịch Thiên nói:
Hơn nữa, khổ đau có những giá trị tốt Vì khổ đau, sự kiêu hãnh bị xua tan, Tâm bi khởi sinh vì (thương xót) những chúng sinh bị bẫy trong luân hồi, Tội lỗi được tránh xa, và sẽ thấy vui sướng trong tịnh hạnh.
Pháp nhẫn trong sự tư duy sâu xa về Pháp
Nếu chúng ta lắng nghe, quán xét, hoặc thiền định về Pháp với sự nhẫn nại và với tâm hân hoan để có được trải nghiệm đặc biệt với Pháp, chúng ta đang tu tập Pháp nhẫn trong sự tư duy sâu xa về Pháp. Nhẫn nhục như thế là rất quan trọng vì nếu tâm chúng ta thiếu kiên nhẫn hoặc khổ sở khi chúng ta thực hiện Pháp hành, điều này sẽ cản trở sự tiến bộ tâm linh và ngăn chúng ta khỏi sự trau dồi Pháp tuệ của mình. Ngay cả khi chúng ta thấy vài khía cạnh Pháp hành của mình trở nên khó khăn chúng ta vẫn cần thực hiện chúng với tâm hoan hỷ.
Nguồn : Chánh pháp