Trứng là thực phẩm quen thuộc nhưng lại có nhiều quan niệm không chính xác về việc tiêu thụ chúng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Người có cholesterol cao không nên ăn trứng
Trong một thời gian dài, những người có chỉ số cholesterol cao được khuyến cáo không nên ăn trứng vì lòng đỏ chứa nhiều chất béo và cholesterol. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng vì không phải tất cả các chất béo đều làm tăng cholesterol xấu trong máu.
Điều này có nghĩa là bạn không nên cắt bỏ trứng hoàn toàn khỏi thực đơn ăn uống và có thể tiêu thụ 3 quả trứng/ tuần đồng thời đảm bảo không ăn quá nhiều trứng trong 1 ngày.
2. Không nên ăn lòng đỏ nếu muốn giảm cân
Một số người không ăn lòng đỏ vì họ sợ bị béo nhưng quan niệm này không đúng. Thực tế là lòng đỏ trứng chứa protein và các chất hữu ích khác như vitamin D góp phần hấp thụ canxi. Trứng cũng chứa choline đảm bảo chức năng gan tốt.
3. Trứng sống lành mạnh hơn trứng luộc
Một số người ăn trứng sống để phát triển cơ bắp, cải thiện giọng nói hoặc giảm axit dạ dày. Tuy nhiên, việc ăn trứng sống không hề an toàn vì tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh salmonella. Không những thế, lòng trắng trứng sống khiến việc hấp thụ vitamin B7 bị hạn chế.
4. Chỉ có trứng trắng hoặc nâu
Đây cũng là quan niệm không đúng. Trứng gà có nhiều màu khác nhau nhưng chúng ta thường chỉ biết trứng trắng và nâu vì chúng phổ biến nhất. Màu sắc của vỏ trứng phụ thuộc vào giống: gà leghorn có trứng trắng và gà Rhode Island có trứng nâu. Một số giống (như gà Araucana, Ameraucana và những loài khác) có trứng màu xanh.
5. Trứng nâu tốt hơn trứng trắng
Chúng ta thường nghe nói rằng các sản phẩm màu nâu hoặc đen tốt cho sức khỏe hơn các sản phẩm màu trắng (ví dụ: bánh mì hoặc đường). Nhưng điều này không đúng khi áp dụng với trứng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trứng nâu và trứng trắng có dinh dưỡng gần giống nhau.
6. Màu của lòng đỏ quyết định chất lượng của trứng
Thoạt nghe điều này có vẻ hợp lý nhưng trên thực tế màu sắc của lòng đỏ phụ thuộc vào chế độ ăn của gà: gà càng có nhiều carotenoid thì lòng đỏ càng đậm màu. Ngô, cỏ linh lăng, cây tầm ma và một số loại cây khác là thức ăn của gà khiến cho lòng đỏ sáng hơn.
7. Phụ nữ có thai không nên ăn trứng
Nhiều bà mẹ rỉ tai nhau rằng nếu ăn trứng khi mang bầu thì con sinh ra dễ bị dị ứng nhưng điều này không đúng. Trứng rất giàu protein, vitamin, khoáng chất và axit amin vì thế nên nó rất tốt cho phụ nữ có thai.
8. Trẻ em dưới 1 tuổi không nên ăn trứng
Điều này không hoàn toàn chính xác. Việc cho trẻ dưới 1 tuổi ăn trứng không ảnh hưởng đến sức khỏe và chứng dị ứng vì chỉ 2% trẻ bị dị ứng với loại thực phẩm này.
Cha mẹ có thể cho bé ăn trứng từ 7 tháng tuổi trở lên và cho chúng bắt đầu ăn chỉ với 2 thìa nhỏ rồi sau đó quan sát xem con có phản ứng gì không. Nếu bé không có phản ứng lạ sau 4 ngày thì chứng tỏ chúng không bị dị ứng.
9. Nên lưu trữ trứng ở cánh tủ lạnh
Hầu như tất cả các tủ lạnh đều có một chiếc kệ để lưu trữ trứng nhưng bạn không nên để thực phẩm này ở đây. Trứng nên được bảo quản tốt nhất ở nơi nhiệt độ được duy trì. Cánh cửa tủ lạnh là nơi ấm nhất và nhiệt độ luôn thay đổi nên không thể giữ trứng tươi lâu.
10. Lòng trắng trứng giúp giảm nếp nhăn
Trứng chứa rất nhiều protein, vitamin E và B, và biotin. Sự thiếu hụt các chất này làm cho tóc và móng tay yếu đi, da nhăn nheo. Và ta chỉ có thể cải thiện tình trạng này bằng cách ăn trứng chứ không phải là đắp mặt.
11. Trứng cút có ích hơn những loại khác
Trứng chim cút thực sự chứa nhiều protein, vitamin và các yếu tố hữu ích hơn trứng gà nhưng sự chênh lệch dinh dưỡng không đáng kể. Bên cạnh đó, loại trứng này cũng bị nhiễm khuẩn salmonella nên tuyệt đối đừng ăn trứng cút sống.