Tôn Tư Mạc là người Hoa Nguyên, từng là ẩn sĩ tại núi Thái Bạch, là một vị thần y nổi tiếng, cũng là một người tu hành, giỏi quan sát thiên tượng, lịch pháp và thuật dưỡng sinh.
Vào năm Hiển Khánh thứ 3, khi Đường Thái Tông triệu kiến ông, lúc đó Tôn Tư Mạc đã hơn 90 tuổi, nhưng thị lực và thính lực của ông không hề suy giảm. Có thể thấy đạo dưỡng sinh của Tôn Tư Mạc vô cùng hiệu nghiệm.
Có người từng hỏi Tôn Tư Mạc rằng: “Danh y có thể trị khỏi bệnh, nhưng cái gốc của đạo lý là gì?”
Tôn Tư Mạc trả lời:
Ta nghe nói, người thông hiểu Trời, chắc chắn sẽ tìm thấy bản thể của Trời trên thân mình. Người biết về nhân thể, chắc chắn sẽ coi Trời là bản thể. Cho nên Trời có Xuân, Hạ, Thu, Đông, ngày đêm tuần hoàn, hoán đổi, nóng lạnh luân phiên, xoay vần. Đây là quá trình đại tự nhiên đang vận động. Cơ thể người có tứ chi và ngũ tạng, có thức ngủ, hô hấp vào ra, trao đổi bài tiết, tuần hoàn kinh mạch và khí huyết. Lưu động chính là khí huyết tuần hoàn, điều thể hiện ra bên ngoài chính là khí sắc của con người. Đây là sự vận động bình thường của cơ thể người.
Dương dùng tinh hoa của nó, âm dùng hình thể của nó. Đây là sự tương đồng giữa Trời và con người, làm trái quy luật bình thường thì sẽ sinh bệnh. Nóng sẽ sinh nhiệt, nếu không sẽ sinh hàn, ứ tắc thì thành khối u, ngăn cách thì thành ung nhọt. Từ phán đoán bề ngoài có thể kiểm tra sự biến đổi bên trong cơ thể. Từ cơ thể suy ra giới tự nhiên cũng vậy. Những vì sao trong quá trình vận hành cũng sẽ xảy ra sai sót. Nhật thực, nguyệt thực, sao chổi rơi cũng là những điềm báo nguy hiểm của tự nhiên. Lương y dùng thuốc khai thông, dùng châm cứu trị bệnh cứu người. Bậc thánh minh dùng đạo đức cao thượng và dùng hiền tài trị vì thiên hạ. Cho nên thân thể có bệnh có thể tiêu trừ, Trời có tai họa có thể bỏ, đây đều là vận khí.
Trong “Thiên kim yếu phương – Dưỡng sinh tự”, Tôn Tư Mạc lại giảng:
Trăm điều đức hạnh đều chu toàn, dẫu không dùng thuốc bổ, cũng có thể trường thọ. Đức hạnh không đủ, dẫu uống canh ngọc tiên đan, chưa hẳn đã có thể trường sinh.
Đệ tử Lư Chiếu Lân hỏi: “Chuyện trong nhân gian nên làm thế nào?”
Tôn Tư Mạc đáp:
Gan phải lớn, tâm phải cẩn trọng, trí huệ và khả năng phán đoán phải tròn đầy, thông suốt; hành vi phải đoan chính, không tùy tiện.
Tâm là nguyên thủ của ngũ tạng, nó cần hành sự theo quy luật, cho nên phải cẩn trọng. Gan là tướng lĩnh của ngũ tạng, nó phải quyết đoán, nên gan phải lớn. Người có trí huệ hành động như Trời, nên phải viên dung, thông suốt. Người nhân nghĩa trầm tĩnh như đất, nên đoan chính, mà không tùy tiện. “Truyện” nói rằng: Không vì có lợi mà quay ngược lại, không vì thi hành nhân nghĩa mà hối hận. Đây chính là sự đoan chính không tùy tiện của bậc nhân nghĩa. “Kinh Dịch” nói rằng: Gặp thời cơ phải hành động ngay tức khắc, không thể chờ đợi cả ngày, đây chính là sự viên dung, thông tuệ của bậc minh trí.
Có thể thấy rằng trong dưỡng sinh thì dưỡng thân không bằng dưỡng tâm. Vậy thì khi dưỡng tâm, điều gì là quan trọng nhất?
Tôn Tư Mạc nói:
Trời có tròn có khuyết, chuyện trên thế gian ắt có nhiều gian nan, khốn khổ. Người không hành sự thận trọng mà lại có thể giải thoát khỏi những hiểm nguy, xưa nay chưa hề có. Cho nên người coi trọng dưỡng sinh, bản thân trước tiên phải biết cẩn trọng.
“Thi Kinh” nói: Con người không sợ tai họa, Trời sẽ giáng họa nạn cho người.
Sợ hãi, quan trọng nhất là sợ Đạo, sau đó là sợ Trời, kế đến là sợ vật, tiếp theo là sợ người, cuối cùng là sợ bản thân mình.
Do vậy người không biết sợ, tâm tư dễ rối loạn, không có trình tự, hành vi lo lắng, bồn chồn, chẳng thể an định, thần tán khí tan, ý mê chí loạn.
Có thể hiểu được những đạo lý này, thì khi chèo thuyền giữa con nước, giao long chẳng thể hại; khi hành tẩu trên đường, mãnh thú cũng không gây thương tổn; các loại bệnh tật, ôn dịch cũng chẳng thể lây nhiễm; kẻ thích nói xấu người khác cũng chẳng thể phỉ báng. Người hiểu được đạo lý này, thì mọi sự trên thế gian đều có thể minh bạch.
Hoàng đế Đường Thái Tông từng triệu kiến Tôn Tư Mạc, lại mong muốn ban cho ông chức vị và tiền tài, nhưng Tôn Tư Mạc đều từ chối không nhận, chỉ xin được về quê. Không giữ được người, Đường Thái Tông đành ban cho ông danh hiệu là Dược Vương, gián tiếp khẳng định y thuật cao siêu của Tôn Tư Mạc.
Tôn Tư Mạc để lại rất nhiều trước tác: 30 cuốn “Thiên kim phương”, lưu lại 30 cuốn “Phúc lộc luận”, 1 cuốn “Nhiếp sinh chân lục”, 1 cuốn “Chấn trung tố thư”, 1 cuốn “Hội tam giáo luận”… Tuy nhiên nổi tiếng nhất trong số đó là cuốn “Thiên kim yếu phương”, được người đời sau coi là một bộ kỳ thư, vừa là kinh điển của thầy thuốc, vừa là kinh điển của người tu Đạo.
Theo sách cổ ghi chép, Tôn Tư Mạc cuối cùng cũng tu luyện trở thành chân nhân, sử sách còn gọi ông là “Tôn chân nhân”. Cũng tương truyền rằng sau khi tạ thế hơn một tháng, sắc mặt ông vẫn như khi còn sống, khi mang thi thể đặt vào quan tài thì nhẹ tựa như một bộ y phục. Vậy nên người đời cho rằng ông tu đắc đạo, trút bỏ xác phàm.
Theo trithucvn.net – Thiên Cầm