"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa
muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương
"

"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương"

LỜI GIÁO HUẤN CỦA SƯ ÔNG TRÚC LÂM.

Chúng ta tu theo Phật thì phải tin nhân quả. Tại sao? Vì nhân quả xây dựng cho chúng ta một nền tảng tự tín rất vững chắc. Trong nhà Phật thường nói, tất cả các khổ không phải bỗng dưng nó đến mà đều có nguyên nhân. Từ cái nhân trước hoặc gần hoặc xa, chúng ta đã tạo nên ngày nay quả báo đến chúng ta phải chịu.

Thí dụ quý vị làm nghề nông, gieo giống lúa thì thu hoạch lúa, gieo giống nếp thì thu hoạch được nếp. Gieo giống nào sẽ có quả giống ấy theo ý muốn của mình. Như vậy tùy theo nhân chúng ta đã gieo mà kết quả sẽ đến. Tuy nhiên, không phải nhân quả chỉ có một chiều mà rất tế nhị. Kết quả không phải từ ai cho hay từ đâu đến mà chính là công phu tạo nhân của chính mình, mình tạo nhân nên mình hưởng quả, đó là lẽ thật. Tất cả mọi việc đều do công của chúng ta, chúng ta săn sóc thì sẽ có kết quả như sự mong cầu của chúng ta, chứ không phải bỗng dưng ai đem lại cho, vì điều đó mình muốn, mình tạo thì mình được.

Như vậy, nhân quả dạy cho chúng ta tạo lấy nhân tốt để hưởng quả tốt, còn gieo nhân xấu thì bị khổ. Vui hay khổ đều do nơi mình tự tạo. Như vậy mọi sự khổ vui trên đời mà chúng ta gặp phải, không nên đổ thừa người này, trách móc kẻ kia mà chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm, vì nhân chúng ta đã gây thì quả chúng ta phải chịu. Hiểu được lý nhân quả, chúng ta có sức tự tín phi thường, bởi vì chúng ta có đủ điều kiện làm cho mình tốt, hay đủ điều kiện làm cho mình xấu. Vậy tốt xấu gốc từ mình, không phải do lực nào bên ngoài. Thí dụ, quý Phật tử đi ra đường thấy một người bị tai nạn té xe khổ, không ai đỡ, không ai cứu. Chúng ta cứu đưa họ đến bệnh viện, săn sóc cho họ được yên ổn. Chúng ta thấy người bị tai nạn, tự lòng mình khởi niệm thương xót nên cứu giúp họ, đưa tới bệnh viện. Lúc đó đức Phật có nói nho nhỏ bên tai ta “ngươi phải đỡ, phải chở người đó đến bệnh viện”? Chắc không có. Do tự tâm chúng ta khởi lòng thương, cứu người. Chúng ta giúp người đó mà không cầu người biết ơn, đền ơn. Bất ngờ khi chúng ta gặp lại họ, tự nhiên họ rất mừng vì biết rằng đây là ân nhân đã cứu mình nên người ấy vui mừng, chúng ta vui theo. Vậy niềm vui đó từ đâu ra? Từ mình chớ đâu phải Trời, Phật nào ban cho. Ngược lại nếu quý vị ra chợ mua hàng, gặp người bán hàng quạu quọ, cự với mình. Mình nổi tức lên cự lại với họ. Khi nổi tức lên gây gổ với nhau, quý vị nghĩ lúc đó có Phật xúi mình không? Hay là cái sân xúi mình? Từ sự chửi bới đánh nhau đưa tới các thứ khó khăn khác như bị bắt bớ v. v… Khổ đó ai làm cho quý vị, ai xúi quý vị, ai mang đến cho quý vị? Tất cả đều do sân giận của mình làm ra, nó đẩy mình tạo tội, thọ khổ. Như vậy, tạo nhân lành đưa đến quả vui, tạo nhân dữ đưa đến quả khổ đều do chính mình, không ai chen vào đó cả. Khi gặp khổ, vui chúng ta nên đổ thừa tại Trời khiến, Phật định hay phải biết đây chính là do chúng ta thiếu tu nên gặp quả khổ, hoặc chúng ta khéo tu nên gặp quả vui? Chúng ta đổ thừa cho người hay phải nhận lấy trách nhiệm về mình? Hiểu như vậy, tin như vậy là chúng ta tin ai? Mình là chủ nhân đem cái vui, cái khổ đến cho mình. Đó là lý nhân quả hết sức cụ thể.

Chúng ta tu theo đạo Phật phải hiểu sâu, tin chắc lý nhân quả như vậy, chúng ta ứng dụng cho cuộc đời, không phiền hà ai, không oán hận ai, chỉ quay lại mình để chuyển hướng. Nếu từ nhỏ tới lớn chúng ta chưa gây điều gì ác mà gặp khổ nhiều thì biết cái nhân đời trước đã tạo, nên ngày nay tuy chưa làm khổ người khác mà khổ vẫn đến với chúng ta. Nên chúng ta hoan hỷ chấp nhận, không oán trời trách đất, đó là biết ứng dụng lý nhân quả. Ngược lại đời này chúng ta không làm lành, làm phước mà được ở trong cảnh sung sướng, giàu sang, chúng ta cũng không tự hào ngã mạn vì biết rằng đây là phước đời trước, chúng ta cũng đã có tu. Tuy được phước lành nhưng nếu không khéo tu, không biết làm lành nữa thì phước sẽ hết, sau sẽ khổ. Nên không có tâm ngạo mạn khinh người. Người Phật tử biết ứng dụng nhân quả tu là người rất tự do, vì biết rõ khổ vui đều do mình nên không oán trách, cũng không phí phạm, luôn có tâm khiêm nhường, không ngạo nghễ kiêu mạn. Đó là một đức tánh tốt, vì chúng ta hiểu được lý nhân quả và biết ứng dụng trong cuộc sống.

Nguồn: ĐỨC TỰ TÍN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ – tvsungphuc.net

TIN TỨC LIÊN QUAN

Xem thêm