Theo công bố trên website của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9/4 vừa qua cho thấy, nguồn nước cấp đến các hộ dân cuối hệ thống mạng lưới đường ống nước ở nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM có nguy cơ bị tái nhiễm vi sinh.
Đây là kết quả từ chương trình đánh giá giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt và giám sát môi trường năm 2018 do Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Theo đó, với 3.155 mẫu nước thử thì chỉ có 1.827 mẫu (57,91%) đạt chỉ tiêu hóa lý (bao gồm các tiêu chí về: màu sắc, mùi vị, độ đục, nhiệt độ, chất rằn trong nước, độ dẫn điện của nước, độ cứng của nước, độ axit, các anion trong nước, các kim loại nặng, các hợp chất hữu cơ, hàm lượng ovi hòa tan trong nước (DO), nhu cầu oxi sinh hóa (BOD) và nhu cầu oxi hóa học (COD)) và 3.017 mẫu (95,63%) đạt chỉ tiêu vi sinh (các loại vi khuẩn như E.Coli, Coliform, liên cầu phân, pseudomonas aeruginosa, bào tử vi khuẩn kị khử sulfit).
Ngoài ra, theo kết quả đánh giá từ Trung tâm, các mẫu nước giám sát chủ yếu không đạt chỉ tiêu Clo dư tại các bồn chứa nước, vệ tinh nước. “Do áp lực nước hiện nay không đồng đều tại các khu vực, nước tại các khu vực cuối hệ thống cấp nước có áp lực yếu, hàm lượng clo dư thấp do thất thoát trên đường đi. Các hộ dân cuối hệ thống mạng lưới đường ống nước (Quận 2, Quận 7, Quận 8, Quận 12, Nhà Bè, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh…) phải sử dụng bồn chứa để bơm nước sử dụng, thêm vào đó, hàm lượng clo dư vốn thấp lại lưu chứa tại bồn thêm một thời gian trước khi sử dụng nên việc tái nhiễm vi sinh là nguy cơ có thể xảy ra tại các điểm này. Quá trình giám sát cho thấy lượng clo dư thấp tại khu vực quận 6, 10, 11, Tân Bình, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Đặc biệt là vùng ngoại thành, khu vực mới được cấp nước sạch, có tỷ lệ mẫu nước không đạt cao, chủ yếu là không đạt clo dư.”
Trên thực tế, hệ thống nước tại nhiều hộ gia đình có thiết kế bình trữ nước riêng, trong quá trình nước tồn tại bình trữ lâu sẽ bay mất Clo dư. Điều này cũng khiến cho nước có nguy cơ bị tái nhiễm vi sinh. Thật ra, đun sôi nước để diệt khuẩn là cách làm thông thường của nhiều người. Tuy nhiên, nước sau khi đun sôi nếu không được trữ đúng cách cũng có khả năng bị nhiễm vi sinh trở lại. Vì sau khi đun sôi, oxy trong nước mất đi gần hết, chất hữu cơ bị phân giải, chất vô cơ lắng xuống. Thời gian lưu trữ càng lâu thì vi khuẩn trong môi trường dễ xâm nhập và phát triển trở lại trong nước. Bên cạnh đó, nước mới đun sôi để nguội hòa vào nước cũ trong bình chứa càng làm vi khuẩn phát triển sinh ra nấm mốc. Do đó, các chuyên gia khuyên rằng nước đun sôi để nguội cần được chứa trong bình đựng sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn y tế, tránh dùng các loại bình nhựa tái sinh, và nên dùng hết nước trong ngày, nếu là nước đóng chai thì sau khi chai đã chạm vào môi người, uống không hết nước cũng nên bỏ đi, hoặc phải vệ sinh lại chai trước khi dùng để chứa nước mới…
Thanh Xuân – trithucvn.net