"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa
muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương
"

"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương"

Bậc trí giả: Thanh tỉnh làm việc, hồ đồ làm người

Hồ đồ là một loại tâm thái, cũng là một loại tu hành. Trong mắt Khổng Tử, hồ đồ là “trung dung”, trong mắt Lão Tử, hồ đồ là “vô vi”, còn trong mắt Trang Tử, hồ đồ là “tiêu dao”. Trong lòng hiểu rõ, trên nét mặt lại hồ đồ, đó là một loại cảnh giới làm người cao thượng mà bậc trí giả hướng đến.

Bậc trí giả: Thanh tỉnh làm việc, hồ đồ làm người

Có người nói, đời người có hai việc khó, chính là “thanh tỉnh làm việc, hồ đồ làm người”. Quả thực đúng là như vậy. Có những việc thấy rõ mà làm như không thấy, thông minh mà giả như ngốc nghếch, việc ấy tưởng dễ mà không dễ. Nó đòi hỏi một người phải trải qua quá trình tu dưỡng mới có thể thực sự đạt được.

Làm việc là cái gốc rễ của lập mệnh an thân, còn thanh tỉnh làm việc lại là điều thiết yếu để thành tựu nhân sinh hoàn mỹ. Thanh tỉnh làm việc đòi hỏi phải thường xuyên bảo trì được đầu não tỉnh táo khi làm việc, không mơ hồ viển vông, không nhầm lẫn giữa tốt và xấu, thiện và ác, biết việc gì nên làm việc gì không. Đứng trước những thủ đoạn gian trá, cần phải thanh tỉnh nhìn nhận. Người có thể làm được như vậy mới không gặp phải tai ương không đáng có.

Từng có một câu chuyện kể rằng: Có hai người rơi xuống nước, một người thị lực rất tốt, một người thì bị cận thị. Hai người họ vùng vẫy trong hồ nước rất rộng và dần dần bị kiệt sức.

Đột nhiên, người có thị lực tốt nhìn thấy phía trước không xa có một con thuyền nhỏ, đang tiến về phía hai người họ. Người cận thị cũng mơ hồ nhìn thấy được điều đó. Thế là hai người họ cố gắng lấy hết dũng khí, sức lực, để bơi về phía con thuyền nhỏ.

Bơi được một hồi, người thị lực tốt bỗng dừng lại. Bởi vì anh ta nhìn thấy rất rõ ràng đó không phải là một con thuyền nhỏ, mà chỉ là một mảnh gỗ mục nát. Tuy nhiên, người cận thị lại không biết đó chỉ là mảnh gỗ, anh ta vẫn cố sức bơi về phía trước. Cuối cùng, người cận thị cũng bơi đến mục tiêu phía trước và phát hiện ra đó chỉ là một mảnh gỗ mục nát. Nhưng đồng thời anh ta cũng đã đến được chỗ không còn cách bờ bao xa. Cuối cùng, người có thị lực tốt cứ như vậy mà mất mạng trong hồ nước, còn người bị cận thị lại có được một cuộc sống mới.

Trong cuộc sống có rất nhiều sự tình không biết còn tốt hơn là biết, rất nhiều sự tình không cần phải tinh thông quá cũng không cần quá khôn khéo. Rất nhiều sự tình nên là hồ đồ một chút lại khiến nó đi đến trạng thái tốt hơn.

Suy ngẫm kỹ một chút, chúng ta có thể nhận ra rằng, kỳ thực, cuộc đời vốn là hồ đồ, khoái hoạt và hạnh phúc đều được cất giấu trong sự hồ đồ này. Rất nhiều khi thanh tỉnh ra rồi thì tất cả những hạnh phúc và vui vẻ cũng sẽ tan thành mây khói.

Thư họa gia nổi tiếng đời nhà Thanh, Trịnh Bản Kiều từng đề rất nhiều bức hoành nổi tiếng. Trong đó “Nan đắc hồ đồ” (Tạm dịch: Hồ đồ khó thật khó) với “Cật khuy thị phúc” (Tạm dịch: Chịu thiệt là phúc) là hai bức mà ai cũng thích nhất.

Người có thể hồ đồ mới có thể chịu thiệt. Con người sống trên thế gian, có thể chịu thiệt là một loại cảnh giới làm người, biết chịu thiệt là một loại xử thế và người nguyện ý chịu thiệt là người biết nhìn xa trông rộng. Bởi vì cổ nhân cho rằng “chịu thiệt” là có thể tích đức. Mà hết thảy phúc, lộc, thọ trong đời của một người là từ đức mà ra. Hơn nữa, họ cũng cho rằng trong họa có phúc, trong phúc có họa, nên có những sự tình trước mắt tưởng như chịu thiệt nhưng lại là hậu phúc về sau. Cũng chính vì thế mà những người già trước đây thường hay dạy bảo con cháu “chịu thiệt là phúc”.

Làm người phải biết hồ đồ, tâm phải đơn giản, ít tính toán, không vì chuyện nhỏ mà lo lắng, mới có thể sống tự do thoải mái. Lúc khó khăn nhất, cứ tính toán so đo được mất, chi bằng sống hồ đồ mà an yên, tự tại.

Trên đường đời, có những lúc, chúng ta cần phải sống hồ đồ một chút, sống tự tại một chút, tùy tính một chút, mắt nhắm mắt mở sống qua ngày, như vậy là bỏ qua cho bản thân cũng là bỏ qua cho người khác. Người hiểu được đạo lý này mới sống khoái hoạt, hạnh phúc. Phàm là những người lúc nào cũng tính toán chi li với người khác, đa phần cuộc sống không vui vẻ.

Hồ đồ không phải ngốc nghếch, cũng không phải mù quáng mà là một loại khí phách, một loại tu dưỡng và cũng là một loại cảnh giới. Đối với lợi lộc, hồ đồ một chút sẽ không làm thương tổn hòa khí. Đối với tình người, hồ đồ một chút mới không thẹn với lương tâm. Trong việc tranh danh đoạt lợi, hồ đồ một chút mới không khiến đầu óc mệt mỏi. Đối với những chuyện thị phi, bịa đặt, hồ đồ một chút mới không mệt đôi tai.

An Hòa
Theo trithuc.net

TIN TỨC LIÊN QUAN

Xem thêm