"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa
muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương
"

"Thiền mang đến Tuệ. Tuệ sáng đưa Tâm thiện lan tỏa muôn nơi. Tuệ Tâm VH - Lan tỏa yêu thương"

Giáo dục con cái thường thất bại vì 3 điều này

Có một thực tế là cho dù bạn thành công trong sự nghiệp đến đâu nhưng thất bại trong việc giáo dục con cái là không gì có thể bù đắp được. Vậy nên đầu tư cho việc giáo dục con, cũng chính là đầu tư cho tương lai của chính mình vậy.

Có 3 điểm sai lầm trong giáo dục trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh thường mắc phải. Hãy xem chúng là gì và có ảnh hưởng thế nào nhé!

1. Nuông chiều thái quá

“Làm thế nào để một đứa trẻ trở nên hư hỏng nhanh chóng?” Câu trả lời chính là “Hãy nuông chiều nó!”

Người ta thường nói thói quen của một đứa trẻ 3 tuổi sẽ theo nó suốt cả cuộc đời. Đặc biệt là những thói quen xấu, nếu không được giúp đỡ sửa chữa kịp thời thì nó sẽ trở thành một sai lầm khó có thể khắc phục trong tương lai.

Gia đình ông Tư Nam có mấy căn nhà mặt tiền đường ở khu quận 1 cho thuê, số tiền thu về hàng tháng đủ để cả nhà sống dư dả mà không cần phải lao động. Con cái của ông cũng không chú trọng vào học hành vì chúng nghĩ điều đó không cần thiết lắm. Kết quả là cho đến lúc cậu con trai ngã khụy vì từ sáng đến tối gục mặt vào game, ông Nam mới giật mình hối hận vì sự nuông chiều thái quá của mình từ khi con còn nhỏ, lớn lên một chút có nói thì chúng cũng không còn nghe lời người lớn nữa rồi.

Khi cha mẹ lúc nào cũng nuông chiều con cái thì đứa trẻ có thể nghĩ rằng cha mẹ sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của chúng và dần dần trẻ chỉ làm những gì chúng muốn, hoàn toàn không còn nghe lời người khác.

Những đứa trẻ lớn lên dưới sự nuông chiều của cha mẹ sẽ cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ, trở nên ích kỷ, vô lý và không biết cách hợp tác với người khác dù là trong bữa ăn, hay khi vui chơi cùng những đứa trẻ khác… Nếu chúng ta luôn nuông chiều con cái một cách thái quá, thì những đứa trẻ sẽ bị chính chúng ta đẩy xuống hố sâu và không còn cách nào cứu vãn.

Trong thực tế, nhiều bậc cha mẹ đang che chở thái quá cho con cái của họ, thậm chí còn dung túng cho những thói xấu của con mình.

Dù cho cha mẹ có thể tha thứ, bao dung cho con cái của mình, nhưng xã hội này sẽ không bao giờ tha thứ cho những thói xấu của trẻ. Nếu cha mẹ thực sự muốn tốt cho con, thì không nên nuông chiều theo những hành động sai trái của trẻ.

Nuông chiều trẻ con thái quá, chính là bạn đang nuôi dưỡng một “mầm họa”, điều này không chỉ làm hỏng chúng mà còn khiến chúng phải chịu khổ khi trưởng thành.

2. Sử dụng bạo lực

“Cách trực tiếp nhất để hủy hoại một đứa trẻ chính là sử dụng bạo lực.” Bạo lực đối với trẻ em kể cả bạo lực trong ngôn từ cũng đều có thể dẫn đến sự thất bại trong cách dạy dỗ con cái.

Năm ngoái, 8 vụ hỏa hoạn đã xảy ra trong vòng chưa đầy 24 giờ tại khu vực 5 và 6 của quận Thiết Tây của thành phố Thẩm Dương. Nghi phạm chỉ là một cậu bé 16 tuổi, thường xuyên bị cha trách mắng. Cậu bé bị mắng mỗi ngày cho nên trong lòng chất chứa đầy oán hận. Khi bị cảnh sát bắt, cậu đã nhận tội của mình. Cậu ta nói một điều làm mọi người sửng sốt: “Cha em nói rằng sớm hay muộn gì rồi em sẽ phải vào tù, và em làm cho ông ta xem.”

Do đó, cậu đã cố tình đốt lửa để trả thù, với hy vọng gây ra điều gì đó cho cha mình. Sau khi biết sự thật, mọi người không thể không thở dài. May mắn thay, không có thiệt hại lớn trong 8 vụ cháy này, nếu không gia đình cậu thiếu niên sẽ phải trả giá đắt cho việc giáo dục sai lầm của người cha.

Nếu như cha mẹ lớn lên trong cách giá dục đầy bạo lực trước đây thì có nhiều khả năng sẽ sử dụng bạo lực trong giáo dục con cái của mình. Và kết quả là sau khi đứa trẻ lớn lên, nó sẽ học được cách “kiểm soát bạo lực bằng bạo lực” và trở thành một người có thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Nếu đứa trẻ không trở thành một người “bạo lực”, thì cũng sẽ trở thành một kẻ yếu đuối và thiếu chính kiến. Bởi vì dưới sự giáo dục bạo lực lâu dài của cha mẹ, trẻ không dám chống cự lại, dần dần sẽ trở nên tự ti, nhạy cảm, cẩn thận trong mọi việc và mất đi sự tò mò với thế giới bên ngoài.

Ngoài ra, nếu cha mẹ lạnh lùng, bỏ bê, thờ ơ, xa lánh con cái, thì cũng sẽ gây ra một bóng ma tâm lý lớn cho trẻ. Nếu cha mẹ luôn đối xử lạnh lùng với con cái, thì trẻ cũng có khả năng bị bệnh tâm thần, chẳng hạn như tự kỷ.

Trong giáo dục gia đình, cha mẹ nên học cách “dùng lời nói để giáo dục”, không tát, la mắng hoặc lạnh lùng với trẻ con. Không thể tránh khỏi việc trẻ phạm lỗi, nhưng khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ không thể đánh đập con mình một cách bốc đồng, mà nên giáo dục con cái một cách có lý trí.

Cha mẹ nên nói cho con biết phải làm gì và trẻ sẽ không lặp lại lỗi lầm đó khi trẻ hiểu được cái sai nằm ở đâu và biết được hậu quả mà chúng gây ra nghiêm trọng như thế nào.

Bạo lực không thể giải quyết được vấn đề, nó chỉ tạo ra nhiều vấn đề hơn nữa. Đừng nuôi dạy con bạn trở thành một người sử dụng bạo lực để kiểm soát bạo lực!

3. Chỉ trích gay gắt

Ở Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ thích áp dụng cách giáo dục cực đoan là chỉ trích con cái họ, nhưng chính kiểu giáo dục đàn áp bằng ngôn từ này lại dần dần tàn phá tâm hồn đứa trẻ.

Trẻ lớn lên trong môi trường bị chỉ trích gay gắt thường xuyên có tâm lý lặp lại điều tương tự với người khác. Những câu từ đứa trẻ này sử dụng sẽ không được thiện trong ứng xử với những người xung quanh, kết quả là không ai muốn ở gần một người có xu hướng luôn soi mói và chỉ trích nhược điểm của người khác như vậy. Dân gian thường gọi những người này là “ác khẩu”.

Mai và Loan cùng làm việc trong một công ty. Mai giỏi giang, làm việc hiệu quả nhưng luôn cảm thấy đồng nghiệp không thích gần gũi với mình, trong khi họ lại rất thoải mái và vui vẻ tiếp xúc với Loan. Lúc đầu, Mai nghĩ nguyên nhân có thể vì mình quá nghiêm khắc trong công việc, khiến người khác không ưa, còn Loan luôn nhẹ nhàng, không làm mếch lòng ai nên dĩ nhiên sẽ khiến mọi người cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, qua nhiều lần phối hợp chung với Loan, Mai choáng váng nhận ra có một sự khác biệt rất lớn giữa hai người. Khi nói về một sự cố nào đó, hay nói về một người nào đó phạm lỗi, Loan không bao giờ dùng các ngôn từ mang tính sát thương mạnh mẽ như của Mai. Cách diễn đạt vấn đề của Loan không đẩy người khác đến đường cùng, vẫn nói lên điều cần nói, những vẫn nhẹ nhàng và thiện lương. Còn cách nói chuyện của Mai luôn là muốn “một gậy đập chết” đối phương, cảm thấy làm như thế sẽ khiến người khác ấn tượng về lỗi lầm của mình mà sau này không tái phạm nữa. Trong từ điển của Loan dường như không có những từ ngữ bạo lực như thế. trong một lần về nhà Loan chơi và tiếp xúc với mẹ của Loan, Mai mới hiểu sự khác biệt này có xuất phát điểm từ trong sự hấp thụ giáo dục ở chính gia đình của mỗi người. Loan cũng giống như mẹ của mình, ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và bao dung, còn Mai thì không được may mắn như thế…

Cũng như Mai, nhiều người phải sống trong sự hà khắc của cha mẹ suốt cả cuộc đời và hầu như không bao giờ nhận được lời khen ngợi hay khẳng định. Thực tế có nhiều người nghĩ rằng cách giáo dục hà khắc này sẽ phát huy tác dụng dập tắt tức thì như việc dùng thuốc liều mạnh. Tuy nhiên, nó sẽ lưu lại tác dụng phụ sau đó là điều không thể tránh khỏi. Khả năng chống chọi lại căng thẳng của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng về sau.

Thực tế là những lời chỉ trích gay gắt của cha mẹ không chỉ không giáo dục được con cái mà còn khiến chúng ngày càng trở nên tồi tệ hơn, và thậm chí hủy hoại cuộc sống của chúng. Những đứa trẻ bị bạo hành trong một thời gian dài sẽ vô cùng mong manh. Khi cảm xúc dồn nén đến một mức độ nhất định, chúng có thể sẽ có những hành động cực đoan.

Giáo dục trẻ con không phải là mì ăn liền, nó đòi hỏi sự kiên trì và thời gian như mưa dầm thấm lâu. Mặc dù nuôi dạy con cái không phải là một kỳ thi, nhưng nó đòi hỏi cha mẹ phải học hỏi liên tục!

Thế nên đừng nuông chiều trẻ, đừng sử dụng bạo lực với trẻ và cũng không nên áp dụng cách giáo dục quá hà khắc đối với trẻ. Hãy giáo dục trẻ bằng những phương pháp đúng đắn, lý trí và khoa học, sẽ giúp trẻ có được một tâm lý lành mạnh để vững bước trên đường đời về sau này.

Theo trithucvn.net_Minh Nguyệt

TIN TỨC LIÊN QUAN

Xem thêm