Là một tín đồ chân chính của Yoga có lẽ bạn cũng biết Yoga không đơn giản chỉ là một bộ môn luyện tập về thể chất. Tập Yoga là cách thức để chúng ta hợp nhất cơ thể, trí óc và tâm hồn của mình. Có được sự hợp nhất này thì ta mới có thể kết nối với nội tâm mình, đạt được cảm giác mãn nguyện và thanh thản. Trải qua hàng ngàn năm, những bậc thầy Yoga đã phát triển và cho chúng ta những con đường khác nhau phù hợp với nhân duyên của mỗi người để đi đến mục tiêu tối hậu đó.
Hôm nay, Chap xin giới thiệu qua với các bạn 7 con đường cũng là 7 loại Yoga chính để chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn về bộ môn khoa học tuyệt vời này. Dù mỗi loại đều giúp cho sự hợp nhất về trí óc, cơ thể và tâm hồn chúng ta nhưng chúng cũng có những sự tập trung hơi khác nhau một chút.
Hatha Yoga
Hatha Yoga là loại Yoga về nguyên tắc vật lý. Đây là loại hình được tập phổ biến nhất, mà đa phần chúng ta được dạy trong các trung tâm. Mục đích của Hatha Yoga là đạt đến sự hợp nhất của trí óc, cơ thể và tâm hồn nhờ vào những động tác của cơ thể. Hatha Yoga nhằm mục đích nâng cao sức khỏe của cơ thể.
Từ “Hatha” là do 2 từ Sanskrit – “ha” có nghĩa là “mặt trời” và “tha” có nghĩa là “mặt trăng”. Tập Hatha Yoga là thấy được một sự cân bằng giữa những nét riêng của mặt trời và mặt trăng cũng như sự cân bằng của những thứ đối nghịch trong bản thân mình – từ phía bên phải và bên trái của não bộ đến những mặt có tính nam và nữ của nhân cách mình.
Có thể cảm thấy những cái lợi của Hatha Yoga ngay. Cơ thể có thể thấy thư giãn hơn và trí óc có thể sáng suốt hơn sau chỉ một lần tập. Nếu tập Hatha Yoga đều đặt thì bạn có thể có lợi nhiều hơn như là sức mạnh tăng lên và dáng dấp cũng đàng hoàng hơn.
Bhakti Yoga
Đây là loại Yoga cống hiến và vị tha. Từ Bhakti bắt nguồn từ từ Sanskrit “bhaj” có nghĩa là “phục vụ”. Luyện Yoga loại Bhakti thì phải tận tụy với một đấng siêu hình, thường phải tập ca, múa, tụng và cầu nguyện. Những người luyện Bhakti Yoga cũng phải biểu lộ sự cống hiến và tình yêu thương trong cuộc sống hàng ngày.
Karma Yoga
Nguyên tắc chính làm cơ bản cho Karma Yoga là thực hiện dịch vụ vị tha, không cần đền đáp. Dịch vụ phải được thực hiện bằng lòng thành và chính trực. Một ví dụ về Karma Yoga là tình nguyện giúp đỡ mọi người thiếu may mắn trong cộng đồng.
Jnana Yoga
Jnana Yoga là loại Yoga về sự thông thái. Theo từ Sanskrit thì từ “Jnana” có nghĩa là kiến thức, tiên tri và thông thái. Một trong những nguyên tắc chính của Jnana Yoga là học biết sự khác biệt giữa những gì có thật và những gì không thật. Jnana Yoga còn khuyến khích con người nghĩ về bản thân như là những vị thần thánh, có thể đạt được sự siêu thoát nhờ vào sức mạnh của ý chí, nghiên cứu và lí luận.
Mantra Yoga
Mantra sử dụng âm thanh để làm lành cơ thể và tập trung trí óc. Một mantra là một phương pháp thiền mà phải lặp lại một từ nào đó thật lớn tiếng hay lặng lẽ trong trí óc mà thôi. Loại mantra truyền thống nhất là dùng từ “om”.
Tantra Yoga
Loại Tantra Yoga sử dụng hơi thở và cử động để đánh thức năng lượng linh hồn trong cơ thể mình. Hai dạng Tantra Yoga phổ biến là Kundalini Yoga và Kriya Yoga.
Raja Yoga
Loại Raja Yoga, từ “raja” có nghĩa là “hoàng gia”, là loại Yoga cổ điển, tức là thiền dạy cho trí óc phục vụ linh hồn mình.
Raja Yoga đặt nền tảng vào bát chi là:
- Yama (Rèn luyện luân thường đạo lý)
- Niyama (Rèn luyện bản thân)
- Asana (Các tư thế)
- Pranayama (Điều khiển hơi thở)
- Pratyahara (Ức chế cảm giác)
- Dharana (Tập trung)
- Dhyana (Thiền)
- Samadhi (Siêu thoát)
Theo: Sách Yoga Căn bản & Thực hành