Trong vòng 20 năm qua, xét ở phương diện đời sống vật chất, xã hội Việt Nam đã có quá nhiều thay đổi. Trong gia đình tôi bây giờ, các anh chị em và các cháu lớn đã tốt nghiệp trung học phổ thông ai cũng dùng điện thoại thông minh (Smart Phone). Bố mẹ tôi tuy không dùng điện thoại dạng này nhưng vẫn dùng điện thoại di động để liên lạc khi cần. Trong ngôi nhà ngói của gia đình tôi ở quê cũng có cả wifi với đường truyền tốc độc cao. Ở làng, gần như 100% thanh niên dùng điện thoại di động và có lẽ đến quá nửa dùng điện thoại thông minh. Nhìn cảnh đấy, khó có ai ngờ làng tôi chỉ có điện dùng vào năm 1996 và tôi, một trong những đứa trẻ của làng may mắn sớm được vào học đại học chỉ biết đến bàn phím máy tính khi đã 18 tuổi.
Đấy là một bước tiến rất lớn kéo theo nhiều sự tiến bộ khác. Ở thành phố lớn, mức độ “phủ sóng” và ảnh hưởng của các thiết bị công nghệ kỹ thuật số như điện thoại, máy tính còn lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, sự thay đổi lớn lao ấy không phải chỉ đem lại những sự thuận tiện. Là một giáo viên, tôi đã nhận ra điều đó từ rất sớm nhưng những ý nghĩ đó chỉ được định hình rõ ràng và hệ thống khi tôi đọc cuốn sách “Cha mẹ thời đại kỹ thuật số” của tác giả Shin Yee Jin.
ShinYee Jin vừa là bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần trẻ em và Thanh thiếu niên tại Bệnh viện Sererance (Seoul, Hàn Quốc) vừa là giáo sư giảng dạy tại khoa Sức khỏe tâm thần Trẻ em và Thanh thiếu niên thuộc Đại học Y Yonsei. Bà cũng đồng thời là người mẹ có hai con trai. Bởi thế cuốn sách này có thể coi như là nơi đúc kết thành tựu học thuật và kinh nghiệm “ba trong một” của bà. Nhờ thế cuốn sách tạo cho ta cảm giác gần gũi, thực tế trong khi không rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm thuần túy.
Cuốn sách đề cập đến rất nhiều nội dung phong phú, tuy nhiên tôi chú ý đến ba điểm chính: tác động của các thiết bị kỹ thuật số đến sự trưởng thành của trẻ em, những sai lầm của cha mẹ trong giáo dục sớm và những nguyên tắc cha mẹ cần tuân thủ trong nuôi dạy con thời đại kỹ thuật số.
Tác động của công nghệ kỹ thuật số tới trẻ em
Những tác động có hại của các thiết bị kỹ thuật số tới trẻ em và đời sống của trẻ em được tác giả phân tích rất cụ thể. Trong cuốn sách tác giả đã chỉ ra và phân tích ảnh hưởng của các thiết bị này ở phạm vi rất rộng từ sự phát triển của não bộ tới thái độ, cảm xúc, hành vi xã hội của trẻ em.
Tác giả cho rằng tác động chủ yếu lớn nhất của các thiết bị kỹ thuật số là làm cho trẻ bị rối loạn cảm xúc dẫn đến không kìm chế được cảm xúc (dễ nóng giận) và không phát triển được các kỹ năng xã hội trong đó điển hình là kỹ năng giao tiếp, thứ vốn sử dụng cảm xúc và ngôn ngữ làm phương tiện chủ yếu.
Shin Yee Jin gọi các thiết bị công nghệ kỹ thuật số này là “thuốc gây nghiện” mà một khi trẻ em đã “dính vào” thì chúng sẽ “có khả năng gây nghiện vô cùng mạnh mẽ tới mức không thể dứt ra được”. Bà không ngần ngại dẫn ra ví dụ đối với chính trường hợp con trai mình: “Cháu cũng thường tỏ ra bực bội mỗi khi cháu gọi điện thoại mà tôi không nhấc máy bởi còn đang bận điều trị cho bệnh nhân hay đang trong giờ giảng. Có lần vì thấy con quá tập trung vào điện thoại di động tới mức đến bữa cơm cũng không chịu ăn uống cho tử tế và vì sợ điều này có thể ảnh hưởng đến việc học tập của con, nên tôi đã yêu cầu cháu khi ở nhà thì đưa lại điện thoại di động cho mẹ giữ. Vậy mà không ngờ việc này khiến tôi từng một phen toát mồ hôi hột vì sự phản đối kịch liệt của con.”
Hậu quả cuối cùng của căn bệnh nghiện thiết bị kỹ thuật số này là tạo ra những trẻ em “trưởng thành giả”. Shin Yee Jin đã mô tả chi tiết các trẻ em “trưởng thành giả” như sau: “Bề ngoài thì các em trông thật thông minh, sáng láng và khỏe mạnh. Nhưng có rất nhiều trường hợp, chỉ sau khi trao đổi một vài câu chuyện với các em, chúng tôi mới thật sự biết rằng mình đang phải đối mặt với một ca khó bởi không thể nào nắm bắt được suy nghĩ của các em”. Đây là những trẻ em có sự tăng trưởng tốt về thể chất (chiều cao, cân nặng) nhưng không có tâm hồn khỏe mạnh. Nói ngắn gọn theo bà đó là hiện tượng “trẻ em phát triển vượt trội về mặt thể chất nhưng lại thiếu trưởng thành trong suy nghĩ, dễ bị kích động và luôn ẩn chứa những hành động thiếu lễ độ và thiếu nhận thức” . Cụ thể hơn, bà liệt kê ra những biểu hiện của “trưởng thành giả” ở trẻ em như dưới đây:
- Mặc dù không phải là chuyện gì quá to tát nhưng trẻ cũng dễ dàng cáu gắt hoặc là buông ra những lời gay gắt, khó nghe.
- Cho dù mọi người xung quanh có nói như thế nào đi chăng nữa thì trẻ cũng khăng khăng làm theo ý mình.
- Trẻ thích dành thời gian riêng cho bản thân thay vì hòa đồng với mọi người bởi vì theo trẻ việc đó thật là phiền phức.
- Trẻ không hề ngần ngại khi thực hiện những hành vi bắt nạt như đánh hay trêu chọc những đứa trẻ cùng trang lứa.
- Trẻ tỏ ra thiếu tôn trọng và không quan tâm đến người khác.
- Không biết và không có khả năng đồng cảm với người khác.
Những đứa trẻ trưởng thành giả đó, theo Shin Yee Jin, tất yếu sẽ gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống vì chúng sẽ “không thể vui vẻ hòa đồng với mọi người xung quanh” và “thường xuyên bốc đồng và bạo lực”. Ở những trẻ này cũng sẽ không có tinh thần độc lập tự chủ vì “con người chỉ có thể trở thành chủ nhân cuộc đời mình, tư lựa chọn con đường của bản thân và cố gắng hết sức cho mục tiêu của cuộc đời khi đã được trang bị những kỹ năng xã hội và có một nền tảng tâm lí, tình cảm ổn định”.
Vậy thì, các thiết bị kỹ thuật số đã tác động theo cơ chế nào để tạo ra những đưa trẻ “trưởng thành giả?”
Shin Yee Jin cho rằng môi trường bao quanh trẻ em trong giai đoạn đầu đời trước 4 tuổi sẽ có ảnh hưởng rất lớn vì “nếu trẻ được sống trong môi trường nuôi dưỡng ổn định, được chăm sóc bằng tình yêu thương ấm áp, được nhận đầy đủ những tác động tích cực, phù hợp với sự phát triển thì trẻ sẽ thông minh, khỏe mạnh. Nói theo cách khác, trẻ sẽ có được một nền móng vững chắc để trở thành một con người trưởng thành thực sự. Trái lại, nếu trẻ không được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh thì rất có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với hiện tượng trưởng thành giả ở trẻ trong tương lai”. Cụ thể hơn, bà cho rằng cách thức giáo dục con không đúng đã góp phần tạo ra trẻ em trưởng thành giả. Đó là giáo dục kiểu nhồi nhét cho trẻ ngay từ khi trẻ còn trong giai đoạn sơ sinh. Phụ huynh đã “nhồi nhét các video tiếng Anh vào thời kỳ mà đáng lẽ ra trẻ cần phải được trao đổi tình cảm với mẹ thông qua những cái nắm tay và trò chơi ú òa”. Và rồi “Ở giai đoạn mẫu giáo, vốn dĩ là thời kỳ trí tò mò bắt đầu dẫn dắt trẻ vào quá trình tự tìm hiểu thế giới, thì trẻ em ngày nay lại ngập trong bảng chữ cái, các tài liệu học toán, và coi chiếc điện thoại thông minh như một người bạn”. Cứ thế, các thiết bị kỹ thuật số bao phủ đời sống của trẻ em, cướp đi thời gian tương tác của trẻ em với người khác, gây nghiện và tước đi cơ hội để trẻ có được các cảm xúc, kỹ năng xã hội cần thiết.
Những sai lầm của cha mẹ trong giáo dục sớm
Trong khoảng một hai thập kỷ trở lại đây “giáo dục sớm” đã trở thành cụm từ có sức hấp dẫn khủng khiếp đối với các bậc cha mẹ nhất là cha mẹ trẻ. Những tiến bộ trong khoa học về não bộ cùng môi trường cạnh tranh ngoài xã hội ngày càng khắc nghiệt càng làm cho mối quan tâm của cha mẹ đối với “giáo dục sớm” thêm… nóng bỏng. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh mà suy xét chúng ta sẽ thấy chính “giáo dục sớm” cũng là một trong những cụm từ bị lạm dụng nhiều nhất và hiểu sai nhiều nhất.
Trong làn sóng ấy, phụ huynh ở Hàn Quốc cũng bị cuốn theo. Shin Yee Jin cho rằng chính giáo dục sớm sai lầm đã góp phần tạo nên những đứa trẻ “trưởng thành giả”. Một trong những sai lầm lớn nhất của phụ huynh khi tiến hành giáo dục sớm cho con là lạm dụng các phương tiện kỹ thuật số. Các phụ huynh đã sử dụng các “điện thoại hay máy tính bảng thông minh” cho trẻ học thay cho “những lời dạy bảo trẻ một cách ân cần”. Hậu quả là “trẻ có những phản ứng quá khích, dẫn tới việc va chạm, xích mích với mọi người xung quanh” thậm chí dẫn đến “có xu hướng sa đà, chìm đắm vào các thiết bị điện tử”. Theo Shin Yee Shin, đứng đầu bảng trong các thiết bị kỹ thuật số gây hại cho trẻ là ti vi (bao gồm cả băng đĩa hình), máy vi tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Cơ chế “hấp dẫn” từ đó “gây nghiện” và gây hại cho trẻ em của các thiết bị kỹ thuật số được bà lý giải rất dễ hiểu :
“Các thiết bị công nghệ kỹ thuật số có thể làm thỏa mãn nhu cầu của trẻ nhỏ với chỉ một nút “play” của các video clip, một cú nhấn chuột, một động tác chạm màn hình của điện thoại thông minh. Trẻ nhỏ không mất đến một vài giây để xem các nhân vật yêu thích, những hình ảnh chuyển động biến hóa, những gam màu sắc nét, những âm thanh sống động đồng loạt xuất hiện. Tất nhiên, trẻ không có lý do gì để khước từ các thiết bị công nghệ, khi mà chỉ cần một động tác đơn giản đến vậy là trẻ đã có thể có được tất cả những gì mình muốn trong nháy mắt. Trẻ sẽ cảm thấy phấn khích và vô cùng hứng thú, đồng thời cũng tự an ủi mình ngay lập tức mỗi khi cảm thấy buồn chán và bực bội mà được mẹ đưa cho đồ công nghệ để dỗ dành. Thêm vào đó, đối với những đứa trẻ vốn đã thiếu khả năng điều tiết nhu cầu và thiếu tính kỷ luật, thì các thiết bị điện tử nhỏ nhắn chắc chắn sẽ trở thành một món đồ gây hứng thú mà trẻ không thể rời tay.”
Đấy là điều nhìn thấy, còn ở phía trong bộ não của trẻ thật sự đang diễn ra chuyện gì? Phân tích tiếp theo đây của Shin Yee Jin có thể sẽ khiến người lớn chúng ta hoảng sợ. Bà cho rằng việc cho trẻ tiếp xúc nhiều với thiết bị công nghệ kỹ thuật số sẽ làm cho trẻ bị mắc chứng “popcorn brain”. Theo Shin Yee Jin, “Popcorn brain là thuật ngữ mô tả tình trạng bộ não trẻ đã quen với tivi, máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng,… nhưng lại không có phản ứng và trở nên vô cảm trước những kích thích trong sinh hoạt hằng ngày ít gây ấn tượng hơn”. Vì thế, giáo dục sớm lẽ ra phải là thứ đem lại sự phát triển lành mạnh của não bộ thì giờ đây bằng việc lạm dụng các phương tiện kỹ thuật số mà não bộ của trẻ bị tổn hại. Lý do chính là vì “Não bộ ở trong trạng thái popcorn brain, theo thời gian, sẽ chỉ tìm đến những điều có xu hướng bạo lực, kích động, nhanh nhạy và ấn tượng hơn nữa. Trẻ sớm tiếp xúc với những thứ có tính chất kích thích mạnh thì những trò chơi dân dã cùng với các vật dụng như sỏi đá và cành cây trở nên quá bình thường. Ngay cả cầu trượt hay xích đu trong các khu vui chơi cũng không hấp dẫn chúng…”. Kết quả là việc học của trẻ không những không tiến bộ mà còn thoái lui vì “bộ não popcorn brain khiến trẻ giảm sút khả năng tập trung và suy giảm trí nhớ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tập của trẻ nhỏ, bởi vì bản chất của việc học tập là thông qua quá trình luyện tập lặp đi lặp lại để biến tri thức của nhân loại thành kiến thức của bản thân. Nhưng khi bộ não của con người đã bị biến thành bộ não popcorn brain chỉ luôn theo đuổi những điều mới mẻ và ấn tượng thì việc tiếp tục áp dụng mô hình học tập như vậy là điều hoàn toàn bất khả thi.”
Làm cha mẹ thế nào trong thời đại kỹ thuật số?
Tác hại của các phương tiện kỹ thuật số đã rõ nhưng cha mẹ phải làm thế nào để ngăn ngừa tác hại của chúng?
Việc loại bỏ tất cả các thiết bị công nghệ kỹ thuật số ra khỏi cuộc sống gia đình và không cho trẻ em tiếp xúc trong bối cảnh xã hội ngày nay là bất khả. Vậy thì chúng ta phải làm thế nào?
Trong cuốn sách tác giả Shin Yee Jin đã đưa ra một phương án cho các bậc phụ huynh có tên “Bảo vệ trẻ bằng phương pháp giáo dục kỹ thuật số thông minh”. Về bản chất của phương pháp này, tác giả giải thích: “Trọng tâm của phương pháp giáo dục kỹ thuật số là vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa những điều có thể và không thể khi sử dụng các thiết bị công nghệ kỹ thuật số”. Để thực hiện được phương pháp này thì điều tiên quyết là “cha mẹ có thể tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc chấp thuận hoặc ngăn chặn đúng đối tượng, nhượng bộ đúng lúc nhưng cũng khiển trách đúng chỗ”.
Đấy là việc dễ mà khó đối với các bậc phụ huynh vì thế để giúp các phụ huynh thực hiện phương pháp này tác giả đề xướng “7 nguyên tắc nuôi dạy con theo phương pháp kỹ thuật số mà cha mẹ thông minh cần phải biết”. 7 nguyên tắc đó theo thứ tự là:
- Mua “khi nào”quan trọng hơn là mua “cái gì”.
- “Nội dung” quan trọng hơn “thời gian”.
- Ngay từ đầu phải đặt ra các hình phạt rõ ràng nếu như trẻ không giữ đúng lời hứa.
- Giải thích cặn kẽ lí do của việc đặt ra các quy tắc.
- Cha mẹ và con cái hãy luôn chia sẻ với nhau về những trải nghiệm kỹ thuật số.
- Cả gia đình phải đồng lòng tham gia.
- Nếu cha mẹ không kiểm soát được tình hình hãy nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia.
Ở mỗi nguyên tắc tác giả đều dừng lại giải thích cặn kẽ và phân tích những khả năng có thể phạm sai lầm. Đấy là những lời khuyên hữu ích cho các bậc phụ huynh.
Khi nhìn lại quá trình phát triển và hiện trạng nước mình, các nhà giáo dục ở các nước phát triển ở châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản đều tỏ ra luyến tiếc những gía trị tốt đẹp đã biến mất, thoái hóa hoặc là lo ngại trước các hiện tượng hậu công nghiệp trong xã hội tiêu dùng. Đời sống bị “ô nhiễm” bởi các phương tiện kỹ thuật số là một hiện tượng như thế. Những gì tác giả Shin Yee Jin nêu ra và trình bày trong cuốn sách này cũng khá trùng khớp với những gì tôi đọc thấy và quan sát thấy khi sống ở Nhật Bản. Công nghệ kỹ thuật số đã làm cho cuộc sống con người hiện đại trở nên tiện lợi hơn và hiệu suất công việc cao hơn nhưng cái giá phải trả về mặt tâm lý-xã hội cũng không hề rẻ. Số lượng và tỷ lệ những thanh niên nghiện game, internet, bị rối loạn tâm thần do chịu tác động bởi các phương tiện kỹ thuật số đang tăng lên chóng mặt. Đấy là một hiện thực mà chúng ta, các phụ huynh Việt Nam đáng phải lưu tâm.
Theo trithucvn.net